(Xây dựng) – Vào mỗi độ xuân về, hàng nghìn du khách thập phương lại đổ về đền Mẫu tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên để cầu mong một năm mới bình an, thịnh vượng, may mắn, tài lộc. Đây là nét đẹp văn hóa mang đậm tính tâm linh truyền thống của dân tộc trong những ngày đầu năm mới.
Hàng nghìn du khách đổ về đền Mẫu dịp đầu năm. |
Quan niệm thờ cúng gia Tiên, đi chùa đầu năm lễ Phật mong được sức khỏe, bình an, làm ăn phát đạt, sự nghiệp tiến tới… dường như là một niềm tin đã tồn tại trong tiềm thức của những người dân Việt Nam. Những ngày đầu năm, ngoài việc thờ cúng Tổ Tiên, người Việt nô nức đi chùa cầu may, xin sức khỏe, bình an hay những dự định ấp ủ trong năm mới.
Trong khu vực lễ chính, nhiều người chen chúc để có chỗ đứng. |
Tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên – đền Mẫu (hay còn được gọi là Hoa Dương Linh Từ) là một trong những nơi thờ cúng linh thiêng của tỉnh Hưng Yên, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trên cả nước.
Đền Mẫu thờ bà Dương Quý Phi là hoàng hậu cuối cùng của triều Tống Trung Hoa, đây là điểm khác biệt hiếm thấy trong các ngôi đền cổ của người Việt, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt - Trung.
Đền Mẫu được xây dựng vào năm 1278 ban đầu chỉ có một gian để thờ bà Dương Quý Phi, tương truyền đền xây trên thế “ngọa long” cùng cảnh hồ bán nguyệt trên đê sông Hồng, tạo nên thế “Sơn Diễu Thủy” hiền hòa, êm ả, thực là “Linh địa nhân hòa”.
Ngôi đền linh thiêng này không lúc nào thôi nghi ngút khói hương những dịp Tết đến xuân về, đặc biệt trong năm mới Canh Tý này lượng khách đến viếng thăm, dâng hương càng đông.
Người dân nhờ thầy cúng viết sớ, “tán” thẻ sau khi rút ở ban Mẫu. |
Các hàng quán tấp nập mọc lên bên đường. |
Du khách chuẩn bị đồ cúng vào lễ Mẫu. |
Ngoài khu vực đền Mẫu, những nơi khác nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên) như: chùa Chuông, đền Trần, đình chùa Hiến, Văn Miếu Xích Đằng... dòng người tới lễ, xin chữ đầu xuân cũng rất tấp nập. |
Cùng với sự phát triển của phố Hiến đền Mẫu ngày nay đã quy mô với 30 gian, lưu giữ được 15 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Nguyễn cùng hai cỗ kiệu “Cửu Long, Ngũ Phượng” và nhiều bia, kí, câu đối ca ngợi cảnh trí, tấm gương tiết liệt của Dương Quý Phi như: “Nhai sơn chính khí đồng thiên hạ. Hồ Nguyệt linh thanh tự cổ kim”.
Bằng những giá trị của di tích, ngày 24/4/1984, UBND Hải Hưng công nhận là di tích danh thắng. Ngày 30/3/1990, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Hằng năm đền mở hội vào ngày mùng 10 đến 15 tháng 3 âm lịch; thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách thập phương với các hoạt động múa lân, rước kiệu, rước nước và một số trò chơi dân gian.
Khánh Hòa
Theo