(Xây dựng) – Đây là một nội dung quan trọng trong Quyết định số 21/2023/QĐ-UBND ngày 8/12/2023 của UBND tỉnh Hưng Yên. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/12/2023.
Một dự án trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) sử dụng chất thải rắn xây dựng san lấp mặt bằng. |
Phân loại chặt chẽ
Theo quy định của UBND tỉnh Hưng Yên, chất thải rắn được phân loại thành: Chất thải rắn xây dựng có khả năng tái chế, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất; chất thải rắn xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng có thể được tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công thường xây dựng khác; chất thải rắn xây dựng không tái chế, tái sử dụng được và phải xử lý theo quy định của pháp luật; chất thải rắn xây dựng nguy hại được phân loại riêng và quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn nguy hại.
Chất thải rắn xây dựng không được phân loại phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu chất thải rắn xây dựng thông thường lẫn với chất thải nguy hại thì phải thực hiện việc phân tách phần chất thải thông thường với phần chất thải nguy hại; nếu không thực hiện việc phân tách hoặc không thể phân tách được thì toàn bộ chất thải lẫn đó phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Về việc lưu giữ chất thải rắn xây dựng, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu chất thải phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loạt không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường, không làm phát tán bụi, gây ô nhiễm môi trường. Thiết bị, dụng cụ lưu giữ chất thải rắn xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Địa điểm lưu giữ chất thải rắn xây dựng phải bảo đảm không để phát tán chất thải xây dựng ra môi trường xung quanh; bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lưu giữ và đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời thiết bị, khu vực lưu giữ chất thải rắn xây dựng phải bảo đảm không gây cản trở giao thông và không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, phải ghi hoặc dán nhãn thông tin về loại chất thải rắn xây dựng. Thời gian lưu giữ chất thải rắn xây dựng phù hợp theo đặc tính của loại chất thải; quy mô, khả năng lưu chứa của thiết bị, địa điểm lưu giữ và quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải cần xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển theo loại sau khi được phân loại. Khi thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải bảo đảm không để lẫn chất thai thông thường với chất thải nguy hại. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường. Việc vận chuyển chất thải phải theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương. Đối tương thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn xây dụng có trách nhiệm vận chuyển chất thải rắn xây dựng đến điểm lưu giữ, trạm trung chuyển và cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn xây dựng hoặc đến cơ sở, công trình khác để tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn xây dựng theo quy định của pháp luật. Chất thải rắn xây dựng từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý chất thải rắn xây dựng trừ trường hợp được hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chất thải rắn xây dựng từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom, sử lý chất thải rắn xây dựng phải được tái sử dụng hoặc đổ thải tại các điểm đổ thải đã được quy hoạch, không được đồ chất thải rắn xây dựng ra đường, sông ngòi, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Có thể tái chế, tái sử dụng
Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên cho phép tái sử dụng, tái chế chất thải rắn xây dựng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Đối với các công trình xây dựng (không bao gồm nhà ở), khuyến khích thực hiện các giải pháp liên quan đến tái sử dụng, tái chế chất thải rắn xây dựng ngay tại công trường trong kế hoạch quan lý chất thải rắn xây dựng. Chất thải rắn xây dựng có khả năng tái chế, tái sử dụng được thu gom vận chuyển đến các cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng để tái chế, tái sử dụng. Các loại chất thải rắn xây dựng được tái chế, tái sử dụng với các mục đích: Chất thải rắn xây dựng dạng bê tông và gạch vụn chủ yếu được tái chế thành cốt liệu thô, có thể sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường, gạch lát nền, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền; đối với chất thải rắn xây dựng như gỗ, giấy chủ yếu được tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ và nhiên liệu đốt; đối với chất thải rắn xây dựng là vật liệu hỗn hợp nhựa đường, có thể tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu); đối với phế liệu là thép và các vật liệu kim loại khác, có thể trực tiếp tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho ngành luyện kim; các loại chất thải rắn xây dựng khác, tùy theo tính chất và đặc điểm được tái sử dụng, tái chế theo mục đích sử dụng phù hợp.
UBND tỉnh Hưng Yên khuyến khích việc xử lý chất thải rắn xây dựng tại nơi phát sinh với quy trình, công nghệ phù hợp, bảo đảm các yêu cầu về an toàn, môi trường như nghiền, sàng; sản xuất vật liệu xây dựng; chôn lấp hoặc các công nghệ khác. Công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Vị Thủy
Theo