(Xây dựng) – Ngày 9/1/2024, dưới sự điều hành của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng ngay tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình, Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm thôn Trung Am, xã Lý Học, Lễ dâng hương kỷ niệm 438 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm đã diễn ra trang trọng. Hơn 10 vạn người dân huyện Vĩnh Bảo, các tỉnh lân cận Hải Dương, Thái Bình đã về dự.
Hơn 10 vạn người dự lễ dâng hương kỷ niệm 438 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Sau phần lễ bao gồm: Lễ mộc dục, rước văn, cáo yết, dâng hương do Trung tâm văn hóa huyện tổ chức, nhiều hoạt động văn hóa thể thao thuộc phần hội như Giải vật truyền thống, chương trình thơ – nhạc về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hát Văn, hát Xẩm, hát Chèo, kéo co, liên hoan văn nghệ các làng văn hóa, trò chơi dân gian, giải đua thuyền, giải pháo đất do các đội văn nghệ, thể thao của nhân dân trong vùng cũng đã diễn ra trong không khi vui tươi đầm ấm tình làng, nghĩa xóm.
Cũng tại buổi lễ, Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất của ông đã tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật bao gồm thể loại ca khúc và kịch bản sân khấu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là dịp thành phố Hải Phòng giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với các thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm một tấm gương lớn về đức độ, tài năng, trí tuệ uyên bác và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (chữ Hán: 阮秉謙; 13/5/1491 – 28/11/1585), tên huý là Văn Đạt (文達), tự là Hanh Phủ (亨甫), hiệu là Bạch Vân am cư sĩ (白雲庵居士),được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử (雪江夫子), là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam – Bắc triều (Lê – Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” (程國公) mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Ngoại trừ quãng thời gian dưới 10 năm thời thơ ấu có thể xem là bình yên cuối triều Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống gần trọn thế kỷ 16, một thế kỷ nhiều biến chuyển mang tầm ảnh hưởng chưa từng có trước đó trong lịch sử dân tộc, mà ông vừa là nhân chứng vừa là nhân tố quan trọng tạo nên chúng. Là một người xuất thân từ tầng lớp trí thức quan lại nhưng cả cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ coi việc làm quan là lý tưởng cao nhất của sự nghiệp, cũng như là một nhà nhân đạo chủ nghĩa ông luôn đề cao tư tưởng thân dân trong sách lược trị nước. Dưới thời quân chủ của Việt Nam, ông là một trong số hiếm "văn nhân thuần túy" (tức là những người không phải quan tướng nắm binh quyền và chưa từng cầm quân ra trận) và lại cũng không phải là công thần khai quốc lẫn người thân thích với hoàng tộc nhưng được phong tới tước Công ("Quận công” hay “Quốc công”) ngay từ lúc còn sống. Trình Quốc công là tước phong chính thức cao nhất của vua nhà Mạc ban cho Nguyễn Bỉnh Khiêm gần 20 năm trước khi ông mất. Sự thật lịch sử này căn cứ vào 3 tấm văn bia do chính ông soạn lúc đã cáo quan về quy ẩn tại quê nhà Trung Am ở độ tuổi ngoài 73 và hiện còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn tại 2 huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy của tỉnh Thái Bình. Việc phong tước hiệu Quốc công cho Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay từ lúc sinh thời đã chứng tỏ sự trân trọng rất lớn mà vua Mạc dành cho ông và có thể xem đây là một sự ghi nhận mang tính biểu tượng của nhà vua đối với những đóng góp của ông cho triều đại này. Cần nhớ rằng trong lịch sử Trung Quốc cũng như Việt Nam, hai tước hiệu hàng đầu như tước Công và Vương có quy chế rất khắt khe để vua ban phong cho những người không có quan hệ thân thích với hoàng tộc. Kiểu "văn nhân thuần túy" và lại không có quan hệ thân thích với hoàng tộc như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Trãi là khó hơn cả các trường hợp xét duyệt khác để được phong tới tước công (dù là Quốc công hay Quận công) ngay khi còn sống. Kiểu "văn nhân cầm quân" chẳng hạn như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Công Trứ hay Trương Đăng Quế thậm chí còn có nhiều cơ hội để lập quân công với triều đình hơn kiểu "văn nhân thuần túy" nên họ thường được phong tước hiệu cao hơn. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều nhà nghiên cứu đồng tình với một nhận định sai sót là Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ được truy phong tước hiệu Quốc công sau khi ông đã qua đời. Đạo Cao Đài sau này cũng phong thánh cho ông và suy tôn ông là Thanh Sơn Đạo sĩ hay Thanh Sơn chân nhân. |
Hải Đăng
Theo