(Xây dựng) - Là tỉnh biên giới với nhiều thắng cảnh nổi tiếng, di sản văn hóa phong phú, Cao Bằng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù vậy, đến nay, du lịch Cao Bằng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hạ tầng du lịch được đánh giá là một trong những điểm yếu của du lịch địa phương. Chính bởi vậy, hoàn thiện hạ tầng du lịch đang được xem là giải pháp hữu hiệu giúp cho du lịch Cao Bằng cất cánh.
Khu du lịch thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). |
Hạ tầng du lịch còn yếu
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 3 nội dung đột phá chiến lược, trong đó đột phá đầu tiên là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: "Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc".
Định hướng của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng được xác định dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có của du lịch tỉnh nhà. Có thể khẳng định, Cao Bằng là điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nhiều di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó có 102 di tích đã được xếp hạng các cấp (3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh); 2 Bảo vật quốc gia; hơn 2.000 di sản văn hoá vật thể, phi vật thể độc đáo, trong đó có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, di sản Thực hành Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có di sản Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng.
Để phát huy được các tiềm năng này, tỉnh Cao Bằng đã chú trọng đầu tư về hạ tầng phục vụ phát triển ngành du lịch. Theo đó, tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình số 10). Các dự án hạ tầng phát triển du lịch tiêu biểu có thể kể đến như: Dự án hàng rào biên giới khuôn viên Khu du lịch thác Bản Giốc, có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng. Dự án do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng chủ trì, thực hiện trong giai đoạn 2021-2023. Đến nay, dự án đã hoàn thành theo tiến độ, giải ngân đạt 100% vốn được giao. Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo do Bộ Quốc phòng chủ trì với tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022-2023.
Một dự án quan trọng khác là dự án đường đi bộ vào động Dơi, xã Đồng Loan, Hạ Lang, do Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh chủ trì, với tổng mức đầu tư 14,2 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành theo tiến độ, giải ngân đạt 100% vốn được giao. Dự án tu bổ, tôn tạo, nâng cấp Khu di tích quốc gia đặc biệt - di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh Cao Bằng chủ trì. Hiện các cơ quan chức năng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cũng đã đề xuất dự án tu bổ, tôn tạo một số di tích lịch sử thuộc địa bàn các xã An toàn khu cách mạng tỉnh Cao Bằng. Dự án có vốn đầu tư 90 tỷ đồng và đang chờ ý kiến chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Bên cạnh các dự án, đề án đầu tư phát triển du lịch kể trên, Cao Bằng cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng bổ trợ phục vụ hoạt động du lịch. Các dự án tiêu biểu như: Dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh; dự án Bảo tàng tỉnh; dự án tu bổ, tôn tạo Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong; dự án nâng cấp các Trung tâm thông tin, trưng bày Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng; dự án đầu tư xây dựng mô hình chụp ảnh (Check in), giới thiệu các giá trị điểm di sản địa chất trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng phục vụ khách du lịch; dự án ầu tư xây dựng cơ sở vật chất tuyến du lịch thứ 4 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.
Du khách đến tham quan và dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). |
Nhờ sự đầu tư trên, trong những năm qua, ngành du lịch Cao Bằng đã có bước tăng trưởng nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Lượng du khách đến Cao Bằng tăng đều qua từng năm. Riêng năm 2023, lượng khách du lịch đến Cao Bằng ước đạt 1,9 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 34 nghìn lượt, tăng 105% so với cùng kỳ, khách nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 1.334 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng ước đạt 46,5%.
Kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp
Trung tâm thành phố Cao Bằng. |
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, du lịch Cao Bằng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đặc biệt, hạ tầng du lịch được đánh giá là một trong những điểm yếu, nhất là về hạ tầng giao thông. Theo đó, nhiều tuyến đường tại Cao Bằng có cung đường nhỏ, hẹp, quanh co đèo dốc, xảy ra ùn tắc vào những dịp cao điểm. Hệ thống giao thông nội vùng tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá vùng biên chưa được quan tâm đầu tư. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh có mức độ tăng trưởng chậm.
Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch. Các khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch còn thiếu, chưa có các họat động thu hút, kéo dài thời gian lưu trú, tham quan, giải trí cho khách du lịch. Các điểm dừng chân cũng chưa được quan tâm đầu tư, chủ yếu mang tính tự phát của người dân. Các dịch vụ phục vụ tại các điểm dừng nghỉ chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (nhất là vấn đề vệ sinh, môi trường...) ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch địa phương. Việc thu hút đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, một số dự án du lịch chưa được cấp vốn đầu tư.
Từ thực trạng trên, ông Sầm Việt An – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết: Thời gian tới, Cao Bằng xác định tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng như: Tập trung triển khai các dự án phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch, triển khai các hoạt động về sản phẩm du lịch - dịch vụ bổ trợ. Tập trung phát triển hệ thống giao thông và biển, bảng chỉ dẫn trên các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh. Đầu tư hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, du lịch cộng đồng và các điểm có tiềm năng phát triển du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch,..
Cụ thể, tỉnh chú trọng đầu tư, hoàn thiện và đưa vào khai thác một số điểm tham quan phục vụ khách du lịch như: Điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (huyện Bảo Lạc); điểm checkin đỉnh cao Phja Oắc và điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành; điểm tham quan vườn trúc, bản Phường, xã Thành Công (huyện Nguyên Bình); khách sạn Mường Thanh Luxury Cao Bằng tại trung tâm thành phố. Đồng thời, tiếp tục vận động, kêu gọi thu hút một số nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai thực hiện dự án phục vụ du lịch như: Dự án xây dựng các Khu du lịch sinh thái Xuân Hoà Sơn, Khu du lịch sinh thái Suối Củn huyện Hòa An; dự án bảo tồn, trồng, chế biến dược liệu theo chuỗi, kết hợp dịch vụ, thương mại và du lịch sinh thái tại huyện Trùng Khánh…
Mặt khác, ông Sầm Việt An cho biết: Cao Bằng sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch. Theo đó, ngành du lịch tỉnh sẽ phối hợp với Viễn thông Cao Bằng hoàn thành xây dựng ứng dụng Cổng du lịch thông minh tỉnh Cao Bằng với nhiều tiện ích tra cứu bản đồ, tìm thông tin chính xác về các địa điểm du lịch tại Cao Bằng. Được lập trình 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh) và được cài đặt dịch tự động. Bên cạnh đó, ứng dụng hỗ trợ du khách đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí; giúp các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá, tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch hoàn chỉnh. Không chỉ vậy, còn cập nhật hệ thống báo cáo cơ sở dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch. Đặc biệt, thử nghiệm số hóa VR360 (du lịch ảo hóa và thuyết minh ảo) đối với 5 khu, điểm du lịch nổi bật của tỉnh, đây là công nghệ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm sâu, có thể di chuyển, tương tác vào không gian tại các khu điểm du lịch.
Với mục tiêu đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, việc Cao Bằng đang chú trọng đầu tư nhanh chóng cho hạ tầng du lịch được xem là giải pháp căn cơ, góp phần đưa du lịch tỉnh nhà “cất cánh” trong tương lai không xa.
Đinh Vũ – Nguyễn Sơn
Theo