(Xây dựng) – UBND tỉnh Hoà Bình vừa có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến nhà máy nước sạch Sông Đà. Theo đó, tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà khẩn trương đầu tư tuyến ống kín dẫn nước thô từ sông Đà lên bể sơ lắng của nhà máy nước sạch Sông Đà để tránh các nguy cơ mất an ninh nguồn nước, xảy ra sự cố nước nhiễm bẩn như hồi tháng 10/2019.
Cũng tại văn bản này, tỉnh Hòa Bình cho biết, một dự án tương tự là Nhà máy nước sạch Xuân Mai, cùng đóng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, cấp nước cho Thủ đô Hà Nội, lấy nước thô từ sông Đà đã đầu tư đường ống kín dẫn nước vào nhà máy, giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu vào.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước cần đầu tư tuyến ống dẫn nước thô kín dẫn nước từ dòng sông Đà vào thẳng khu xử lý của nhà máy. |
Sau sự cố nước sạch ở Hà Nội bị nhiễm styren do hành vi đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà vào tháng 10/2019 cho thấy công tác quản lý, giám sát “an ninh nguồn nước” còn nhiều “lỗ hổng” đáng báo động. Bên cạnh đó, việc được chính quyền “ưu ái” đang là các điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm các quy định trong hoạt động đầu tư xây dựng tại các dự án Nhà máy nước.
Kiến nghị của tỉnh Hòa Bình được đưa ra trong bối cảnh Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 của Nhà máy nước sạch Sông Đà, nâng công suất của nhà máy từ 300.000 m3/ngày đêm lên 600.000 m3/ngày đêm.
Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, trong khi Nhà máy nước Sông Đà chưa được đầu tư tuyến ống kín dẫn nước vậy tại sao nhà máy nước Xuân Mai đã được đầu tư đường ống này? Ai là người cho phép xây dựng tuyến ống kín dẫn nước tại Nhà máy nước Xuân Mai? UBND tỉnh Hòa Bình tại sao lại ký Quyết định đầu tư cho dự án này để cấp nước sạch cho Hà Nội mà người dân Hòa Bình không được hưởng một giọt nước nào từ dự án này, trong khi đó quy hoạch điều chỉnh cấp nước cho thành phố Hà Nội chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phải chăng Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai đang có dấu hiệu “cầm đèn chạy trước ô tô”?
Được biết, nhà máy nước sạch Sông Đà được xây dựng trên địa bàn 3 xã Phú Minh, Hợp Thành, Yên Quang, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Các hạng mục chính của nhà máy gồm hệ thống kênh hở dài 3,52km, rộng 6m, dẫn nước từ mép sông Đà lên hồ Đầm Bài, trước khi bơm vào bể sơ lắng trong nhà máy. Với quy trình lấy nước thô từ hệ thống kênh hở, chạy dài qua nhiều xã, trữ tại hồ tự nhiên như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn an ninh nguồn nước luôn thường trực với Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Trước đó như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình trao Quyết định chủ trương đầu tư số 37/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 cho Công ty Cổ phần nước Aqua One. Tuy nhiên, ngày 24/1/2019 UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án điều chỉnh tên thành: Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch.
Diện tích đất sử dụng khoảng 52,4ha, cụ thể: Công trình thu và trạm bơm khoảng 3,4ha (xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); nhà máy xử lý nước khoảng 45,5ha (xóm Dụ 5, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình); bể chứa nước trung gian khoảng 3,5ha (xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Dự án có hệ thống đường ống truyền dẫn nước sạch dài 58km chạy dọc theo Quốc lộ 16 thuộc địa phận Hòa Bình và Hà Nội, cung cấp nước sạch cho quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam: Từ vành đai 3 theo Quốc lộ 1A về phía Nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía Tây và Tây Nam: huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa; Phía Đông: Bổ sung cho các quận nội thành cũ và một số huyện tỉnh Hòa Bình (Kỳ Sơn, Lương Sơn, một phần thành phố Hòa Bình) dọc tuyến ống.
Một khối lượng rất lớn đất, đá đồi được hạ cốt để thực hiện dự án. |
Tuy nhiên, dù chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, chưa có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư dự án này đã cho tổ chức san gạt rầm rộ, gây lún nứt nhà dân.
Được biết, sau kiến nghị gửi Thủ tướng của tỉnh Hoà Bình, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND.TP Hà Nội cho ý kiến về kiến nghị trên.
Đối với dự án này, có thể thấy những việc làm theo kiểu” cầm đèn chạy trước ô tô” đã được chủ đầu tư thực hiện. Bên cạnh đó, dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng dự án vẫn được chính quyền “tạo điều kiện” để tổ chức triển khai thi công.? Qua những việc này, cần kiểm tra, làm rõ những “mập mờ” trong việc triển khai thi công dự án và tuyến ống Nhà máy nước sạch Xuân Mai.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Khánh An – Thanh Thanh
Theo