(Xây dựng) - Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020 với nội dung kiến nghị:“Đề nghị quan tâm bố trí kinh phí đầy đủ cho các hộ gia đình thuộc đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có Công văn 5685/BXD-QLN ngày 26/11/2020 trả lời như sau:
Theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi hộ gia đình thuộc diện tham gia Chương trình được ngân sách trung ương hỗ trợ không hoàn lại từ 12 đến 16 triệu đồng/hộ tùy theo khu vực và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, gia đình, dòng họ và cộng đồng còn hỗ trợ thêm để các hộ gia đình có thể xây dựng một ngôi nhà kiên cố có sàn vượt lũ có diện tích sử dụng tối thiểu 10 m2, cao hơn mức ngập lụt thường xuyên tại khu vực từ 1,5m trở lên, với giá thành xây dựng khoảng 40 triệu đồng. Riêng các trường hợp hộ nghèo tại vùng sâu, vùng xa, hộ già cả, neo đơn gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở thì UBND cấp xã có thể phối hợp cùng với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại địa phương và các tổ chức đoàn thể khác tham gia hỗ trợ ngày công, vật liệu hoặc kinh phí xây dựng để góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng nhà ở cho các hộ gia đình được hỗ trợ.
Tại Văn bản số 481/TTg-CN ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của địa phương để thực hiện Chương trình. Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tham gia giúp đỡ thêm để các hộ nghèo có thêm kinh phí xây dựng nhà ở. Như vậy, với mức hỗ trợ và cơ chế đóng góp nêu trên thì các hộ gia đình thuộc diện tham gia Chương trình có thể xây dựng được căn nhà đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.
Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lồng ghép Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg với Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP), để hỗ trợ không hoàn lại cho hơn 581 hộ nghèo với mức kinh phí 1.700 USD/hộ. Như vậy, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mỗi hộ gia đình tham gia Chương trình xây dựng nhà ở theo dự án GCF được hỗ trợ xây dựng nhà ở lên đến hơn 60 triệu đồng/hộ.
Tính đến tháng 11/2020, toàn Chương trình đã thực hiện hỗ trợ được 19.350/21.600 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 89,6%; riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 2.800/3.900 hộ nghèo hoàn thành xây dựng nhà ở, đạt tỷ lệ 71%. Hiện nay, trong số các tỉnh tham gia Chương trình này, đã có 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg đang được các tỉnh còn lại, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện trong giai đoạn cuối (dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2021).
Qua đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua tại các tỉnh khu vực miền Trung, cho thấy căn nhà phòng, tránh bão, lụt được xây dựng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg đã phát huy hiệu quả rất lớn, giúp các hộ dân đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, giảm thiểu tối đa mức thiệt hại.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi cơ chế, chính sách theo hướng tiếp tục hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương, nâng mức hỗ trợ và mức cho vay ưu đãi... để các hộ nghèo khu vực miền Trung tiếp tục xây nhà phòng, tránh bão, lụt.
Khánh Diệp
Theo