Thứ tư 13/11/2024 08:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hồ Tây (Hà Nội): Sau lệnh cưỡng chế, di tản, hàng loạt bến du thuyền hàng tỷ đồng hóa thành “đống sắt vụn”

14:08 | 20/03/2021

(Xây dựng) – Hơn 3 năm kể từ ngày bị cưỡng chế, các du thuyền, nhà hàng nổi trị giá hàng tỷ đồng ở hồ Tây vẫn chưa được di chuyển và dỡ bỏ. Việc để các xác du thuyền này trở thành “nghĩa địa sắt vụn” trên mặt nước đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường tại khu vực hồ Tây.

Năm 2016, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 41 về quy định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, theo đó toàn bộ mặt nước Hồ Tây và bến thủy nội địa được thành phố giao Sở Giao thông Vận tải quản lý, tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội.

ho tay ha noi sau lenh cuong che di tan hang loat ben du thuyen hang ty dong hoa thanh dong sat vun
Những xác thuyền nằm phơi gió, phơi sương tại Đầm Bảy, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả du thuyền, nhà hàng nổi ngừng kinh doanh ở khu vực bến Thủy, hồ Tây (từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi), di chuyển về Đầm Bảy (phường Nhật Tân). Theo đó, UBND thành phố giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý hồ Tây; Tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết tại Đầm Bảy, phường Nhật Tân, trước ngày 25/2/2017; Tổ chức tháo dỡ, di dời các phương tiện này khỏi hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên hồ trong quý I/2017.

ho tay ha noi sau lenh cuong che di tan hang loat ben du thuyen hang ty dong hoa thanh dong sat vun
Những xác tàu nhuốm màu thời gian, ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Thế nhưng, cho đến nay, ngoài một số du thuyền đã được tháo dỡ, di dời, vẫn còn khoảng chục chiếc vẫn neo đậu tại đây. Những chiếc tàu này bị bỏ hoang lâu ngày, không được bảo quản trước những ảnh hưởng của thời gian. Theo ghi nhận của phóng viên, toàn bộ những chiếc thuyền đang neo đậu tại đây đều trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Trên 1 số thuyền vẫn còn những đồ dùng, vật liệu dễ cháy như màn che, thảm, bàn ghế… Điều này không chỉ khiến cảnh quan khu vực bị ảnh hưởng trầm trọng và còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào.

ho tay ha noi sau lenh cuong che di tan hang loat ben du thuyen hang ty dong hoa thanh dong sat vun
Một số thuyền vẫn còn những vật liệu dễ cháy.

Về vấn đề quản lý mặt nước Hồ Tây, Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Văn hóa – Thể thao là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố để xây dựng phương án quản lý kinh doanh dịch vụ trên hồ Tây. Trên cơ sở đó, sẽ ban hành bộ quy chế, quy định những điều kiện, tiêu chuẩn cho các tàu thuyền hoạt động văn hóa trên khu vực này. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải là đơn vị quản lý bến bãi, tàu thuyền có nhiệm vụ kiểm tra, xác định xem tàu thuyền này có đủ điều kiện để hoạt động hay không.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có các nội dung quản lý về Luật liên quan đến việc kinh doanh trên bến thủy nội địa khiến các doanh nghiệp không thể đưa du thuyền vào sử dụng. Suốt những năm qua, các doanh nghiệp chỉ biết đứng nhìn toàn bộ tài sản của mình lênh đênh trên mặt nước, ngày càng hoen rỉ, xuống cấp.

ho tay ha noi sau lenh cuong che di tan hang loat ben du thuyen hang ty dong hoa thanh dong sat vun
Lưới bảo vệ có cũng như không.

Hiện nay, những du thuyền được neo gần bờ đã được quây bằng lưới sắt, tuy nhiên, một phần của lưới đã bị cắt bỏ, tạo thành lối đi lên thuyền. Hằng ngày, bãi xác thuyền đã trở thành nơi tập thể dục, chỗ ngồi câu cá, hóng mát của những người dân trong khu vực.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ cho biết: “Trong quyết định của Thành phố Hà Nội về quy định quản lý các bến thủy nội địa, chính quyền địa phương cấp xã, phường chịu trách nhiệm về việc lên thuyền, xuất bến trái quy định. Phường, xã phải có lực lượng an ninh, trật tự thực hiện rà soát, nhắc nhở người dân, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, đảm bảo an ninh, đặc biệt là an toàn đuối nước và cháy nổ”.

Vị này cho biết thêm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ đã có báo cáo hiện trạng tại Đầm Bảy, đồng thời, đề nghị Thành phố Hà Nội cùng Sở Văn hóa Thể thao và du lịch; Sở Giao thông Vận tải sớm ban hành ban hành bộ quy chế, quy định những điều kiện, tiêu chuẩn cho các tàu thuyền hoạt động văn hóa trên bến thủy nội địa để làm cơ sở, tiếp tục triển khai.

Tuấn Nghĩa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load