Thứ sáu 08/11/2024 01:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Hồ sơ khai nhận thừa kế nhà đất không có di chúc

11:47 | 01/06/2022

(Xây dựng) - Ông bà ngoại của ông Hoàng Lâm ly hôn từ năm 1970, chỉ có một con là mẹ của ông Lâm. Sau đó, bà ngoại nuôi mẹ của ông Lâm, ông ngoại kết hôn với người khác. Nay bà ngoại ông Lâm mất, không để lại di chúc. Mẹ ông Lâm muốn khai nhận thừa kế để sang tên sổ đỏ, nhưng UBND xã yêu cầu phải có giấy tờ ly hôn của ông bà ngoại (mảnh đất đó là do cụ ngoại để lại cho bà ngoại ông Lâm). Ông Lâm hỏi, yêu cầu của xã như vậy có đúng quy định không?

ho so khai nhan thua ke nha dat khong co di chuc
Ảnh minh họa (nguồn: TL).

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 650 và Điểm a, Khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thừa kế theo pháp luật được áp dụng đối với trường hợp người để lại di sản khi chết không có di chúc. Những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Trường hợp bà ngoại của ông Hoàng Lâm chết không để lại di chúc thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật. Tổ chức hành nghề công chứng địa phương nơi có đất hoặc UBND cấp xã nơi có đất có thẩm quyền công chứng, chứng thực văn bản khai nhận thừa kế đối với trường hợp có 1 người thừa kế duy nhất.

Trong hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và người yêu cầu công chứng, chứng thực đúng là người được hưởng di sản.

Tổ chức hành nghề công chứng, UBND xã có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng, chứng thực văn bản khai nhận di sản trước khi thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Trường hợp chứng thực văn bản khai nhận di sản tại UBND xã

Tại Điểm h, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (tình trạng còn hiệu lực) quy định, UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này (gồm tài sản là động sản, tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản là nhà ở). Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND cấp xã.

Trường hợp bà ngoại ông Hoàng Lâm khi chết chỉ có một mình mẹ ông Lâm là người thừa kế duy nhất ở hàng thừa kế thứ nhất. Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đứng tên bà ngoại ông Lâm. Trường hợp này, hồ sơ chứng thực văn bản khai nhận thừa kế gửi UBND xã cần có: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Trích lục khai tử của bà ngoại ông Lâm; Giấy khai sinh của mẹ ông Lâm; Bản án, quyết định của tòa án về việc ly hôn của ông, bà ngoại của ông Lâm; Giấy tờ, tài liệu chứng minh từ khi ly hôn đến khi chết bà ngoại không kết hôn với ai; Giấy tờ, tài liệu chứng minh cha, mẹ của bà ngoại ông Lâm đều đã chết. Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của bà ngoại và mẹ ông Lâm.

Theo phản ánh của ông Hoàng Lâm, khi mẹ ông yêu cầu chứng thực văn bản khai nhận thừa kế, người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã yêu cầu phải có bản án, quyết định của Tòa án về việc ly hôn của ông bà ngoại của ông Lâm, đây là tài liệu cần thiết chứng minh ông ngoại không còn là chồng, không phải là người thừa kế theo pháp luật của bà ngoại.

Trường hợp không còn giữ bản án quyết định ly hôn của ông, bà ngoại thì, mẹ ông Lâm cần phải tìm gặp ông ngoại ông để đề nghị cung cấp, hoặc đến Tòa án xin cấp trích lục bản án, quyết định ly hôn đó.

Tuệ Minh (T/h)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load