Thứ sáu 08/11/2024 18:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải “kêu cứu”

07:38 | 12/12/2022

(Xây dựng) - Nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất và đời sống của người dân các địa phương Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải “kêu cứu”
Cống Xuân Quan – Điểm khởi đầu của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải.

Một công trình lịch sử nhưng...

Trong trí nhớ của cụ Nguyễn Đình Nguyên, 86 tuổi ở huyện Thanh Miện cũng như nhiều người cao tuổi ở một số địa phương thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh, trước khi có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người nông dân ở Thanh Miện cũng như một số địa phương khác của tỉnh Hải Dương vô cùng vất vả.

Những năm đó, lúa cấy hai vụ bấp bênh, năng suất lại rất thấp vì nguồn nước tưới hoàn toàn phụ thuộc tự nhiên. Trời không mưa thì hạn hán kéo dài, còn mỗi khi mưa to thì nước lớn lại ngập trắng đồng. “Mặc dù đất nước đã độc lập nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ mãi bủa vây người nông dân”, cụ Nguyên nhớ lại. Cảnh "mười năm chín hạn", "sống ngâm da, chết ngâm xương" đã trở thành một nỗi ám ảnh thường trực.

Chính vì thế, xây dựng một hệ thống thủy lợi đủ sức chống hạn, chống úng, cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho nhân dân một số địa phương của các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên trở nên bức thiết là một yêu cầu mang tính lịch sử.

Ông Lương Xuân Chính - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết: Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kiến trúc và Thủy lợi đã quan tâm chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng hệ thống thủy lợi để có thể đem lại “hạnh phúc trăm năm” cho người nông dân. Thực hiện quyết tâm này, ngày 01/10/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng cống Xuân Quan, khởi đầu cho đại công trường thủy nông Bắc Hưng Hải.

Ông Chính cho biết, công trình thủy nông Bắc Hưng Hải không chỉ tiêu biểu cho ngành Thủy lợi của miền Bắc, mà còn là của cả đất nước nên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, trong quá trình chuẩn bị và xây dựng hệ thống thủy lợi này, Bác Hồ đã bốn lần trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ và dân công làm việc trên công trường.

Ngày 20/9/1958, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu vực chuẩn bị thi công cống Xuân Quan - là cụm đầu mối của công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải, nơi sẽ dẫn nguồn nước có lượng phù sa quý giá từ sông Hồng vào tưới tiêu cho đồng ruộng của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Người đã xuống sát chân đê Xuân Quan để thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân và dân công đang gấp rút công tác chuẩn bị thi công công trình.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải “kêu cứu”
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải 25/12/1958 (ảnh: hochiminh.vn).

Vâng lời Bác, hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh mang theo cơm nắm, muối vừng nô nức lên công trường, ra quân với khí thế quyết thắng. Cả một vùng châu thổ trùng trùng dân công từ Gia Lương, Thuận Thành (Bắc Ninh) sang, từ Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện (Hải Dương) lên, từ Khoái Châu, Kim Động, Văn Giang (Hưng Yên)… kéo về như ngày hội lớn. Các xã xung quanh công trường huy động thanh thiếu niên phát quang đường sá, dọn vệ sinh nhà cửa, vét giếng, sửa cầu náo nức đón tiếp dân công. Phong trào đại thủy nông Bắc Hưng Hải luôn trong không khí hồ hởi, quyết tâm và hăng say hết mực.

Ngày 16/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường lần thứ hai. Trở lại đoạn đê Xuân Quan, Bác xuống tận chân công trình thăm anh chị em dân công đang đào kênh dẫn phía ngoài cống Xuân Quan. Nói chuyện với gần 3 vạn dân công, công nhân, cán bộ trên công trường qua loa phóng thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trình Bắc Hưng Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến quyết thắng. Các đảng viên, đoàn viên, thanh niên, công nhân, cán bộ phải làm gương mẫu. Phải cố gắng làm thế nào đảm bảo có đủ nước cho vụ chiêm sắp tới được thắng lợi, đem lại ấm no cho đồng bào”.

Từ đó cho đến khi hoàn thành công trình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đến thăm công trường hai lần nữa. Sự quan tâm đặc biệt của Bác thể hiện tầm quan trọng sống còn của hệ thống Bắc Hưng Hải đối với sản xuất nông nghiệp miền Bắc thời bấy giờ.

Ngày 01/5/1959, hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đã hoàn thành với khối lượng công việc khổng lồ: Xây đúc 7.500m3 bê tông, xây lát 226.000m3 đá, đào đắp gần 3.000.000m3 bùn, đất... Sau khi hoàn thành, hệ thống sông chính dài 200km bảo đảm cấp nước tưới cho gần 120.000ha, tiêu úng cho hơn 192.000ha đất nông nghiệp. Ngày hoàn thành, cửa cống Xuân Quan mở toang cho nước sông Hồng đỏ nặng phù sa tuôn về đồng ruộng, giữa tiếng gieo hò của hàng vạn cán bộ công nhân viên và nhân dân ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Cùng với thời gian, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày càng khẳng định vai trò, nhiệm vụ của một “đại thủy nông” đã, đang và sẽ giúp cho hàng triệu nhân dân được hưởng hạnh phúc hàng trăm năm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán khi về thăm công trường trước lúc khởi công.

... Nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, nguồn nước tưới của hệ thống được lấy từ sông Hồng qua cống Xuân Quan, từ sông Thái Bình qua cống Cầu Xe, âu thuyền Ngọc Châu và từ sông Luộc qua cống An Thổ.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn Thuận ở xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện cho biết, chất lượng nước sông Cửu An ngày càng xấu đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lấy nước vào các ao nuôi thủy sản của gia đình. Theo anh Thuận, những năm gần đây việc xử lý nước từ sông khó khăn hơn, tốn kém hơn trước rất nhiều khiến cho chi phí chăn nuôi tăng lên, lợi nhuận của các chủ ao giảm xuống.

Ông Lương Xuân Chính - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đánh giá ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã tăng lên hàng năm cả về phạm vi và mức độ, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ, nitrit, amoni và vi sinh vật. Toàn hệ thống có 83 kênh chính và kênh nhánh bị ô nhiễm, trong đó 40/83 kênh mương bị ô nhiễm rất nghiêm trọng và nghiêm trọng, nước kênh đen đặc, mùi hôi thối, không có sinh vật nào có thể sinh sống; 23/83 kênh, mương bị ô nhiễm ở mức trung bình có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp; 20/83 kênh, mương bị ô nhiễm nhẹ có thể tạo nguồn cấp nước sinh hoạt nhưng phải xử lý theo quy định, chủ yếu là các kênh, mương lấy được nước từ các sông ngoài.

Nước thải ô nhiễm từ các kênh trên chảy vào kênh trục Bắc Hưng Hải rồi sang các địa phương khác, gây ô nhiễm diện rộng. Toàn hệ thống có 22 huyện, thành phố với 383 xã, thị trấn, thì có tới 172 xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi kênh, mương ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống Bắc Hưng Hải ngày càng nghiêm trọng là do nguồn thải chưa được xử lý trước khi xả vào kênh.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải “kêu cứu”
Ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống Bắc Hưng Hải ngày càng nghiêm trọng.

Các tổ chức, cá nhân thường xả thải vào các kênh cấp II, kênh nhánh sau đó đổ ra kênh trục chính Bắc Hưng Hải. Việc kiểm tra, phát hiện các cá nhân, tổ chức trực tiếp xả thải vào các kênh cấp II, kênh nhánh thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi các tỉnh, thành phố nên việc kiểm soát nguồn thải cũng như chất lượng nước gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, toàn bộ nước thải sinh hoạt của người dân trong khu vực cũng đều chưa được thu gom và xử lý trước khi xả vào kênh chính của hệ thống cũng khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.

Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi khép kín, tất cả các nguồn thải phát sinh trong hệ thống đều dồn về kênh trục. Những năm gần đây, nguồn chính cung cấp nước cho hệ thống Bắc Hưng Hải từ sông Hồng qua cống Xuân Quan thường xuyên thấp hơn mực nước thiết kế. Vì vậy, để đảm bảo đủ nước tưới, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải phải tăng cường lấy nước ngược từ sông Thái Bình và sông Luộc nên không có điều kiện để gạn tháo, thay nước đệm. Vào những thời điểm phải đóng cống để trữ nước, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải như một ao tù, chất thải không được lưu thông làm cho mức độ ô nhiễm nước tăng cao.

Một công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng, tác động tới sản xuất và đời sống dân sinh của hàng triệu người đang “chết” dần trong sự thờ ơ của chính quyền các cấp cũng như các cơ quan chuyên môn từ địa phương tới Trung ương. Công trình kỳ vỹ, niềm tự hào một thời đang dần bị quên lãng.

Công trình cũng từng là nơi ghi dấu sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng hiện tại không có bất cứ dấu tích nào để nhắc nhở hậu thế về sự vĩ đại của Người cũng như một thời khó khăn, gian khổ nhưng vô cùng sôi nổi, nhiệt huyết của những người nông dân vừa được làm chủ vận mệnh của mình.

Lã Vọng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load