(Xây dựng) - UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hậu Giang sẽ đầu tư 32.610 tỷ đồng để tỉnh trở thành điểm đến mới về du lịch cộng đồng (DLCĐ) trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Khóm Cầu Đúc nổi tiếng thơm ngon - Sản phẩm DLCĐ hấp dẫn Hậu Giang. |
Hậu Giang miền đất Tây Sông Hậu được thiên nhiên ban tặng sông nước và ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Từ lâu nay, Hậu Giang nổi tiếng với kênh xáng Xà No - con sông thơ mộng của xứ ngàn, dòng sông huyền thoại con đường lúa gạo miền Tây; khóm Cầu Đúc nổi tiếng thơm ngon từ 100 năm nay hay làng trầu Vị Thủy 100 trăm năm, lung Ngọc Hoàng nổi tiếng nơi thiên nhiên hoang sơ, quýt đường Long Trị… Đó những là tài nguyên quý giá để Hậu Giang phát triển DLCĐ.
Dựa vào tài nguyên và lợi thế, Hậu Giang chia ra làm 4 cụm để phát triển DLCĐ: Cụm du lịch thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy; Cụm du lịch thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ; Cụm du lịch huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; Cụm du lịch huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A.
Để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, Hậu Giang mời gọi đầu tư vào các dịch vụ vận chuyển nội vùng (ghe xuồng tham quan), lưu trú (homestay), ẩm thực, mua sắm đặc sản, tham quan trải nghiệm. Sản phẩm du lịch này sẽ lấy điểm nhấn từ món ngon từ khóm, check-in vườn khóm và liên kết với các hoạt động buôn bán của chợ nông sản Vị Thanh (chợ Chồm Hổm); kết hợp hài hòa giữa việc khai thác sản phẩm tàu du lịch với các di tích như: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Di tích lịch sử Chiến thắng Vàm Cái Sình… của cụm DLCĐ khóm Cầu Đúc. Tại cụm DLCĐ huyện Châu Thành A trọng tâm là homestay Mương Đình kết nối các điểm tham quan như trang trại nuôi dê Ngọc Đào, nuôi ba ba Thạnh Lợi và các nhà vườn khác; kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ ẩm thực, mua sắm đặc sản, tham quan trải nghiệm. Tại cụm DLCĐ huyện Châu Thành lấy làng bè Hai Khanh và các hộ dân có vườn cây ăn trái như: Mít, chanh không hạt, bưởi Năm roi làm cơ sở để phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch vườn gắn với các đặc sản chủ lực của huyện.
Đồng thời phát triển DLCĐ gắn với làng nghề truyền thống như: Tại cụm DLCĐ làng nghề trồng trầu Vị Thủy: Kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ vận chuyển nội vùng (xe đạp, xe lam), lưu trú (homestay), ẩm thực, mua sắm đặc sản, tham quan trải nghiệm; tái hiện lại hoạt cảnh sự tích Trầu Cau, trải nghiệm têm trầu, tạo dịch vụ y học cổ truyền với tinh dầu trầu… có thể bổ sung thêm điểm tham quan Hợp tác xã nuôi ba ba, ẩm thực ba ba theo dạng thực dưỡng y học cổ truyền.
Tại cụm DLCĐ làng nghề đan Cần xé, thành phố Ngã Bảy: Kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ làm hàng lưu niệm, trải nghiệm đan Cần xé. Lấy làng nghề đan Cần xé và Chợ nổi Ngã Bảy làm trung tâm kết nối với các nhà vườn, phát triển thành cụm DLCĐ trải nghiệm sông nước, văn hóa bản địa. Tại cụm DLCĐ huyện Phụng Hiệp rà soát các hộ dân làm nghề bó chổi, vót đũa,… tại xã Tân Long, xã Thạnh Hòa có nhu cầu làm DLCĐ để có cơ sở hỗ trợ hướng dẫn từng bước đưa nơi này thành điểm DLCĐ gắn với phát triển làng nghề của huyện.
Tại cụm DLCĐ tại huyện Phụng Hiệp, lấy điểm nhấn là Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng kết hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân Hậu Giang. Tại một số cụm DLCĐ Vị Thanh phù hợp có thể phối hợp các hoạt động trên cảnh quan tự nhiên của kênh xáng Xà No gắn với sản phẩm tàu du lịch và các kênh rạch khác. Tại cụm DLCĐ trồng và chế biến mãng cầu xiêm huyện Long Mỹ với sản phẩm là uống trà mãng cầu, ăn mứt mãng cầu, sinh tố mãng cầu; có thể tạo ra các hoạt động trải nghiệm: Học làm mứt, làm trà hay tạo cách sinh hoạt văn hóa dưới các tán cây mãng cầu,… Tại cụm DLCĐ quýt đường xã Long Trị (thị xã Long Mỹ): Sản phẩm du lịch có thể xác định trên ẩm thực với sự sáng tạo của người dân: Bánh xèo ngũ sắc, chè bưởi, bánh dân gian, các món ăn chay,… lấy khu vực Long Trị làm trọng tâm để xây dựng mô hình DLCĐ giúp người dân có động lực khôi phục lại cây quýt truyền thống bên cạnh việc có thể lồng ghép thêm các hình thức khác như: Ẩm thực, sản phẩm OCOP,…
Dựa trên những đặc thù của tỉnh, một số định hướng khởi nghiệp về mô hình DLCĐ theo phương châm “Trải nghiệm cộng đồng xanh, hành trình du lịch (sống) chậm” tại địa phương cho người dân Hậu Giang, đó là: Khởi nghiệp với mô hình “Từ đồng ruộng đến bàn ăn” với hình thức kết hợp du lịch lưu trú và trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn. Khởi nghiệp với mô hình “Sông nước hội tụ”…
Kênh xáng Xà No - Con đường huyền thoại lúa gạo miền Tây là nơi tổ chức các hoạt động trải nghiệm DLCĐ. |
Mục tiêu đến năm 2025: Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển 03 mô hình thí điểm tại thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy; tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ hiện có. Đến năm 2030: Tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các điểm DLCĐ tại huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ khác, đặc biệt là các điểm DLCĐ theo kế hoạch đăng ký của cấp huyện; Tập trung phát triển các mô hình DLCĐ kết hợp với: Du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh; Du lịch nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm; Du lịch ẩm thực, mua sắm, nghỉ dưỡng. Quảng bá rộng rãi các sản phẩm DLCĐ của tỉnh, thông qua sử dụng công nghệ số trong du lịch (du lịch thông minh); Nâng cấp tổng thể cơ sở vật chất, các dịch vụ gia tăng kèm theo và kéo dài thời gian lưu trú; thúc đẩy chi tiêu của du khách khi sử dụng các sản phẩm DLCĐ tại tỉnh, hình thành các công ty có điều kiện phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho người lao động tại các điểm DLCĐ, tăng nguồn thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch.
Đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, Hậu Giang sẽ trở thành điểm đến mới về DLCĐ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khi nói về DLCĐ tại Hậu Giang, du khách sẽ ghi nhớ về những cộng đồng dân cư hào sảng, hồn hậu, hiếu khách; về các trải nghiệm đậm chất văn hóa Nam bộ; sự phong phú ẩm thực; sự kết nối, hòa hợp với thiên nhiên, sông nước; các hoạt động và sản vật nông nghiệp. Các giá trị cốt lõi đó sẽ do DLCĐ Hậu Giang mang tới với du khách trong và ngoài nước. DLCĐ tại Hậu Giang được phát triển bởi người dân và phục vụ lợi ích của người dân địa phương…
Huỳnh Biển
Theo