(Xây dựng) – Vừa qua, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cùng lãnh đạo một doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực hạ tầng đô thị và Khu du lịch Lung Ngọc Hoàng.
Lung Ngọc Hoàng hoang sơ. |
Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng có diện tích khoảng 2.800ha, thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn là nơi bảo tồn hơn 330 loài thực vật và 206 loài động vật, trong đó có một số động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Với 5 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở quy mô toàn cầu như: dơi chó, chồn mực, cáo mèo, rái cá, rái móng, đặc biệt là rái cá lông mũi và rùa nắp, rắn hổ mang nằm trong Sách đỏ thế giới; 10 loài bò sát trong đó tiêu biểu có loài rắn mái gầm, rắn cạp nong…; 135 loài chim nước trong đó có 9 loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam như: Bạc má, giang sen, già đẫy, cà cuốc, cò ốc, cò lạo xám, ác là, le le khoang cổ, nhiều nhất là vạc với đến hàng vạn con...
Theo Danh mục các dự án mời gọi đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được mời gọi đầu tư du lịch sinh thái, cảnh quan, các hoạt động trải nghiệm, khám phá, với diện tích 2.800 ha, tổng mức đầu tư 345 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư nhà nước cho thuê cảnh quan rừng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được tỉnh Hậu Giang xác định là một trong hai sản phẩm du lịch đặc trưng (02 sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Hậu Giang là du lịch trên tàu tuyến Kênh Xà No đi làng khóm Cầu Đúc và Du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp). Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 07/6/2021. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Tham gia xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Sở, ngành liên quan cung cấp thông tin và đề xuất Tổng cục Du lịch tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thành Khu du lịch Quốc gia vào Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chim cò Lung Ngọc Hoàng |
Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh và có khả năng trở thành khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Với mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết lập các tuyến du lịch sinh thái, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, là khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Đề án nêu rõ các sản phẩm du lịch được định hướng phát triển rất cụ thể, bao gồm sản phẩm theo hướng truyền thống, như: Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với hệ động thực vật; Du lịch vui chơi giải trí; Du lịch gắn với bản sắc địa phương; Ẩm thực, mua bán sản phẩm lưu niệm… Và các sản phẩm theo hướng độc đáo, như: Du lịch “Con đường Tràm”; Du lịch trải nghiệm, khám phá “thuần thiên nhiên”; Du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường; Du lịch trải nghiệm kết hợp dịch vụ sản xuất; Du lịch trải nghiệm, mạo hiểm; Du lịch tuần trăng mật; Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; Ẩm thực; Mua bán sản phẩm lưu niệm…
Theo đó, Đề án phân thành 3 khu chức năng chính: Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt (1.015,94ha); Phân khu Phục hồi sinh thái (937,11ha); Phân khu Hành chính dịch vụ (8,75ha). Với các tuyến du lịch nội khu, gồm: Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái đất ngập nước - Điểm du lịch sinh thái Lung Sen - Lung Lớn - Mô hình canh tác nông nghiệp; Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Điểm nuôi động vật bán hoang dã - Điểm giáo dục môi trường - Điểm du lịch sinh thái Lung Sen - Lung Lớn; Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Điểm câu cá - Khu vui chơi giải trí - Khu lâm viên - Mô hình canh tác nông nghiệp và Khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Huỳnh Biển
Theo