Thứ sáu 08/11/2024 18:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Hành lang pháp lý về an toàn cháy cho nhà và công trình: Cơ bản đầy đủ

09:57 | 08/04/2021

(Xây dựng) - Tìm hiểu về các cơ sở pháp lý liên quan đến an toàn cháy cho nhà và công trình nói chung, an toàn cháy cho nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh nói riêng, phóng viên báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh.

hanh lang phap ly ve an toan chay cho nha va cong trinh co ban day du
Ông Vũ Ngọc Anh.

Thưa ông, thời gian gần đây, trong cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại về người và tài sản. Phải chăng đây là loại hình công trình có nguy cơ cháy nổ cao?

- Đúng là thời gian gần đây, đa phần những vụ cháy xảy ra tại công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, sản xuất. Còn đối với nhà ở đơn thuần thì nguy cơ gặp cháy nổ không cao. Lý do, sự cố cháy luôn phải hội tụ đủ 3 điều kiện gồm: nguồn cháy, vật liệu cháy và môi trường cháy.

Đối với nhà ở riêng lẻ, nguồn cháy chủ yếu là nguồn điện (ổ điện, phích điện) hay do đốt nhang, thắp hương… Khi xảy ra sự cố, nếu không gặp chất cháy thì nguy cơ bùng cháy là thấp.

Ngược lại, đối với các nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, chất cháy chính là hàng hóa dễ bắt lửa, kho chứa hàng hóa, nếu xảy ra sự cố, nguy cơ cháy cao hơn.

Thưa ông, hàng lang pháp lý trong việc phòng cháy đối với nhà và công trình, trong đó bao gồm nhà ở nhỏ lẻ đã đầy đủ chưa?

- Theo tôi, các quy định về an toàn cháy cho nhà và công trình hiện nay tương đối đầy đủ. Ngày 06/4/2020, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2020/BXD trên cơ sở soát xét, chỉnh sửa, bổ sung QCVN 06:2010/BXD.

Quy chuẩn 06:2020/BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho các gian phòng, nhà và các công trình xây dựng khác (gọi chung là nhà) và bắt buộc áp dụng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng, đồng thời quy định phân loại kỹ thuật về cháy cho các nhà, bộ phận của nhà, cho các gian phòng, cấu kiện xây dựng và VLXD. Quy định này được tiếp thu từ tiêu chuẩn TCVN 2622:1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - yêu cầu thiết kế ban hành từ năm 1995.

Bên cạnh đó, gần đây Bộ Công an đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (ký ngày 24/11/2020) quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Nghị định này đã bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó bao gồm nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh...

Nghị định 136/2020/NĐ quy định, đối với khu dân cư xây dựng mới, phải có thiết kế và phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC... Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định…

Văn bản pháp quy đầy đủ nhưng việc thực thi trong thực tế ra sao, thưa ông?

- Những năm gần đây, các cơ quan chuyên môn gồm Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng kiểm soát các công trình theo thẩm quyền, góp phần hạn chế được những nguy cơ cháy nổ cho các công trình xây dựng.

Đơn cử, đối với nhà chung cư, tùy theo quy mô về diện tích sàn, chiều cao tầng, công trình sẽ được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng ở địa phương. Khi kiểm tra hồ sơ thẩm định phải có giấy chứng nhận, ý kiến của cơ quan chuyên môn về PCCC trước khi ra văn bản chấp thuận. Trong giai đoạn thiết kế, nhà chung cư được thẩm tra (tiền kiểm) bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, tuân thủ quy chuẩn xây dựng, trong đó bao gồm quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Sau khi hoàn thiện xây dựng, công trình tiếp tục được các cơ quan chuyên môn hậu kiểm, đánh giá xem đã tuân thủ, bảo đảm các quy định yêu cầu về PCCC hay chưa. Chỉ khi công trình đã bảo đảm các yêu cầu, được nghiệm thu thì mới đủ điều kiện được đưa vào sử dụng.

Nhà ở riêng lẻ, tùy quy mô, khu vực đô thị hay nông thôn, công trình thuộc loại phải có giấy phép xây dựng hoặc miễn giấy phép xây dựng. Đối với các công trình phải xin giấy phép xây dựng, ngay từ thiết kế, nộp hồ sơ xin giấy phép đã phải có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn cháy, PCCC. Tuy nhiên, lại thiếu hậu kiểm…

hanh lang phap ly ve an toan chay cho nha va cong trinh co ban day du

Từ ngày 01/01/2021 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) có hiệu lực thi hành. Luật mở rộng hơn một số loại công trình được miễn giấy phép xây dựng. Vậy việc kiểm soát an toàn cháy đối với các công trình miễn giấy phép xây dựng như thế nào, thưa ông?

- Trong 9 loại công trình được miễn giấy phép xây dựng theo Luật số 62/2020/QH14 thì có nhà ở riêng lẻ quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựngđiểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt…

Như tôi đã đề cập, những công trình nhà ở riêng lẻ nếu chỉ dùng để ở thì nguy cơ xảy ra cháy nổ rất thấp. Nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự cố cháy nổ, làm mất an toàn trong khu dân cư diễn ra phổ biến hơn đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, sản xuất thương mại. Công trình loại này sẽ phải tuân thủ quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ. Theo đó, hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh, phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC như có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC…; có giải pháp thoát nạn (không làm lưới thép kiên cố bịt kín lối thoát nạn như trường hợp cháy nhà số 311, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội); bổ sung giải pháp ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Đối với công trình nói trên, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, đôn đốc kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ nghiêm các quy định về PCCC. Nếu các hộ không tuân thủ thì cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động, khi nào khắc phục xong mới được tiếp tục kinh doanh.

Tôi cho rằng nếu các cơ quan chức năng về xây dựng, PCCC, cấp phép kinh doanh phối hợp đồng bộ và với sự kiểm soát quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương thì sự cố cháy nổ tại các công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh sẽ được giảm thiểu tối đa.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và Bộ Công an sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn cháy trong công trình, PCCC để người dân hiểu và tuân thủ tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quý Anh - Yến Mai (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load