Thứ sáu 08/11/2024 10:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hải Dương: Sớm xử lý dứt điểm diện tích đất của Hợp tác xã sản xuất gạch ngói Cờ Đỏ

18:08 | 30/10/2022

(Xây dựng) - Mặc dù đã giải thể nhiều năm nhưng phần đất do Hợp tác xã sản xuất gạch ngói Cờ Đỏ (Hợp tác xã Cờ Đỏ) ở xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) quản lý vẫn chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến tình trạng hàng chục ha đất bị bỏ hoang hoặc bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa.

hai duong som xu ly dut diem dien tich dat cua hop tac xa san xuat gach ngoi co do
Người dân san lấp, làm đường bê tông kiên cố, chia lô rồi chuyển nhượng trái phép khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Hợp tác xã Cờ Đỏ thành lập năm 1964 trên cơ sở phát triển Tổ hợp tác sản xuất vật liệu xây dựng. Ban đầu, trụ sở của hợp tác xã đặt tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, sau đó chuyển về xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng.

Trong giai đoạn từ 1969 – 1979, để có đất khai thác làm gạch ngói, hợp tác xã đã nhiều lần nhận chuyển nhượng đất của các hợp tác xã nông nghiệp của 2 xã Cẩm Phúc và Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng. Do cơ chế thay đổi, hoạt động của Hợp tác xã Cờ Đỏ hoạt động kém hiệu quả nên ngày 8/8/1997, UBND huyện Cẩm Giàng ra quyết định giải thể Hợp tác xã Cờ Đỏ. Tuy nhiên, việc giải thể chỉ được thực hiện nửa vời vì phần đất do Hợp tác xã Cờ Đỏ quản lý vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo số liệu kiểm kê năm 2000, diện tích của Hợp tác xã Cờ Đỏ là 186.212m2, trong đó đất ở là 24.677m2; đất ao (khu dân cư) 10.114m2; đất xây dựng cơ bản 5.998m2; đất thủy lợi 4.079m2; đất giao thông (khu dân cư) 5.390m2 và đất ao nông nghiệp 135.954m2.

Từ năm 1997-2002, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, toàn bộ diện tích đất của Hợp tác xã Cờ Đỏ được giao cho các xã viên sử dụng sản xuất nông nghiệp. Ông Đinh Văn Ngọ, nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã Cờ Đỏ cho biết, khi hoạt động kém hiệu quả, hợp tác xã giải thể, đất được chia cho các xã viên sản xuất. “Để được chia đất, xã viên phải có cổ phần trong hợp tác xã, có hộ khẩu tại địa phương, có chỗ ở tại thôn Cờ Đỏ. Có 101 xã viên đủ điều kiện được chia đất, mỗi xã viên được chia 3 sào bắc bộ, tổng diện tích đất đã chia cho các xã viên là 109.080m2”.

Từ khi được chia đất, các xã viên sử dụng để sản xuất nông nghiệp như trồng cây ăn quả, nuôi cá, gia súc gia cầm… Tuy nhiên, khi Khu công nghiệp Phúc Điền đi vào hoạt động, việc cung cấp nước sản xuất, tiêu thoát úng gặp khó khăn dẫn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Vì vậy, nhiều hộ dân đã chuyển nhượng phần đất được chia cho người khác hoặc tự san lấp để xây nhà trọ cho công nhân. Những người nhận chuyển nhượng cũng tiến hành san lấp, chia lô xây nhà hoặc tiếp tục chuyển nhượng cho nhiều người khác.

Việc san lấp, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở, nhà trọ trên đất sản xuất nông nghiệp đã vi phạm các quy định của pháp luật. Theo quan sát của phóng viên, hiện nay đã có hàng chục căn nhà kiên cố cùng vài chục dãy nhà trọ được xây dựng trên vùng đất vốn trước kia thuộc quản lý của Hợp tác xã Cờ Đỏ. Dù sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng thời gian gần đây chính quyền địa phương mới thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Theo ông Đinh Văn Ngọ - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Cờ Đỏ, mặc dù đã có quyết định giải thể hợp tác xã nhưng diện tích đất thuộc quyền sử dụng của hợp tác xã lại chưa được UBND huyện Cẩm Giàng xử lý triệt để. Đến năm 2006, khi chủ đầu tư Khu công nghiệp Phúc Điền xin thuê phần đất thuộc khu Hợp tác xã Cờ Đỏ cũ, người dân không đồng ý bàn giao đất vì cơ chế, chính sách thu hồi đất không bảo đảm quyền lợi của người dân. Khi tiến hành thu hồi đất phục vụ xây dựng Khu công nghiệp Phúc Điền, các cơ quan chuyên môn tỉnh Hải Dương cho rằng diện tích đất của Hợp tác xã Cờ Đỏ không được bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại và tài sản như nhà cửa, cây trồng, vật nuôi gắn liến với đất (nếu có). Theo lý giải của các cơ quan chuyên môn tỉnh Hải Dương, căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 7 và Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì khi Nhà nước thu hồi đất của Hợp tác xã Cờ Đỏ trước đây quản lý (nay đã giải thể) không phải bồi thường về đất nhưng được xem xét bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) nếu tiền chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

hai duong som xu ly dut diem dien tich dat cua hop tac xa san xuat gach ngoi co do
hai duong som xu ly dut diem dien tich dat cua hop tac xa san xuat gach ngoi co do
Hàng chục dãy nhà trọ, nhà kiên cố được xây dựng trên đất của Hợp tác xã Cờ Đỏ cũ.

Quan điểm của các cơ quan chuyên môn tỉnh Hải Dương không nhận được sự đồng tình của các xã viên Hợp tác xã Cờ Đỏ cũ. Các xã viên cho biết, diện tích đất của Hợp tác xã Cờ Đỏ có nguồn gốc là nhận chuyển nhượng của các hợp tác xã nông nghiệp của 2 xã Cẩm Phúc, Cẩm Điền. Giá trị chuyển nhượng tính thành tiền, thanh toán bằng gạch ngói. Tiền của Hợp tác xã Cờ Đỏ trả cho các hợp tác xã nông nghiệp do các xã viên đóng góp, không phải tiền có nguồn gốc ngân sách Nhà nước. Ông Đinh Văn Ngọ - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Cờ Đỏ cho biết, văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 22/12/2006 và Kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương ngày 12/1/2007 cũng khẳng định điều này.

Chính vì không thống nhất được phương án đền bù nên việc thu hồi diện tích của Hợp tác xã Cờ Đỏ cũ đã không thực hiện được. Từ đó, các xã viên tiếp tục sử dụng phần đất đã được chia. Cũng từ thời điểm đó, chính quyền địa phương tiếp tục “ngó lơ” phần đất này, để người dân tùy ý sử dụng mới dẫn đến tình trạng san lấp, chuyển nhượng, xây dựng bừa bãi như thời gian vừa qua.

Theo ông Đinh Văn Ngọ, trước thực trạng của khu đất hiện nay, nguyện vọng của người dân là Nhà nước nên công nhận quyền sử dụng đất cho các xã viên, cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng phần đất đã được chia. Nếu không được chấp nhận, người dân cũng sẵn sàng giao đất cho Nhà nước để triển khai các dự án phát triển kinh tế nhưng việc thu hồi đất phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người dân như văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2006 và Kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương năm 2007 đã chỉ rõ.

Như vậy, việc để người dân sử dụng không đúng mục đích gần 11ha đất trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn huyện Cẩm Giàng. Chính sự thờ ơ, buông lỏng quản lý trong thời gian dài của chính quyền địa phương đã dẫn tới tình trạng san lấp, chuyển nhượng, xây dựng bừa bãi như thời gian vừa qua.

Khi phóng viên Báo điện tử Xây dựng liên hệ với ông Trần Văn Quyết - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng thì được ông Quyết hướng dẫn gặp lãnh đạo xã Cẩm Phúc để lấy thông tin. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Cẩm Phúc lại cho rằng thẩm quyền giải quyết sự việc này thuộc các phòng, ban của UBND huyện Cẩm Giàng. Có thể hiểu, chính sự đùn đẩy trách nhiệm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đến nay vẫn chưa thể tìm ra hướng xử lý tốt nhất khu đất của Hợp tác xã Cờ Đỏ cũ, gây nên sự lãng phí vô cùng lớn nguồn lực đất đai của Nhà nước.

Vị Thủy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load