(Xây dựng) - Dù dự án chống sạt lở tại thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung được hoàn thiện chưa lâu, tuy nhiên, việc triển khai dang dở, không đạt yêu cầu khiến tình trạng sạt lở diễn ra càng nghiêm trọng hơn.
Dù dự án chống sạt lở được hoàn thiện chưa lâu, nhưng việc triển khai dang dở, không đạt yêu cầu khiến tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn. |
Có mặt tại thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh, chúng tôi ngỡ ngàng trước bãi chiến trường ngổn ngang, nham nhở của dự án chống sạt lở do địa phương này là chủ đầu tư. Hơn nữa, khi kết thúc dự án chống sạt lở thì tình trạng lại diễn ra nghiêm trọng, phức tạp hơn khiến cho hơn chục hộ dân thôn này “mất ăn, mất ngủ”.
Gia đình ông H. Đ. P bức xúc: “Họ làm kiểu này thì chết dân chúng tôi. Nham nhở, lo sợ. Những vỉa đá nằm cheo leo vách núi không được tháo gỡ có thể đổ sập, lăn vào nhà dân bất cứ lúc nào”. Lo sợ, gia đình ông P đã phải thuê mướn thợ xây công trình phụ phía chân núi, mục đích, nhỡ có sạt lở thì công trình sẽ chặn giảm tác động, ngăn cản đất đá lăn vào nhà dân. Tuy nhiên, đang làm thì chính quyền xuống tháo dỡ công trình.
Trong khi đó, gia đình ông Đ. V. Q nhà tiệm cận vách núi có nguy cơ sạt lở cho rằng: “Dân chúng tôi kiến nghị mãi mới thấy có dự án. Dự án chống sạt lở triển khai, chúng tôi vui chẳng hết. Nhưng các anh nhìn coi, dự án họ triển khai, tận thu lấy đất bán thu lợi. Kết thúc dự án, không những không giúp dân vơi được nỗi lo sạt lở mà tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng. Đề nghị các cấp, ngành vào cuộc đánh giá lại dự án và sớm có giải pháp để người dân an tâm”.
Những vỉa đá nằm cheo leo vách núi không được tháo gỡ có thể đổ sập, lăn vào nhà dân bất cứ lúc nào. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngày 27/9/2019, UBND huyện Hà Trung có Văn bản số 2252/UBND-NN chấp thuận chủ trương xử lý chống sạt lở núi tại khu vực thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh. Theo đó, UBND xã Hà Lĩnh là chủ đầu tư của dự án, đơn vị thi công được chọn là Công ty TNHH Bình Minh (địa chỉ huyện Hà Trung, Thanh Hóa).
Tiếp đến ngày 02/10/2019, UBND xã Hà Lĩnh có Quyết định số 62/QĐ-UBND, về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình: Xử lý chống sạt lở, nêu rõ yêu cầu kỹ thuật, đào mái taluy sườn vách núi hệ số mái dốc 1/1.0 hạ độ cao vách núi không còn khả năng sạt trượt.
Sau 6 tháng triển khai dự án, đến ngày 01/5/2020, Công ty TNHH Bình Minh tiếp tục đề nghị gia hạn thời gian tận thu đất, đá thải trong quá trình thi công chống sạt lở tại khu vực trên và được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận tại Văn bản số 7557/UBND-CN ngày 11/6/2020.
Sau khi dự án triển khai kết thúc, qua phản ánh của hơn 10 hộ dân thôn Thanh Xá 3, tình trạng sạt lở núi càng trở nên nghiêm trọng. Khu vực đồi núi tiếp giáp với các hộ dân, khi doanh nghiệp bóc hết lớp đất bên ngoài để lại lớp đá bên trong có có taluy dương dựng đứng khoảng 100m, nguy cơ sạt lở cao hơn trước gấp nhiều lần. Trong khi phía dưới chân núi, đất đá nham nhở… Người dân đã bức xúc kiến nghị nhưng đến nay, sự vào cuộc chỉ là 1 tấm biển cảnh báo sạt lở được cắm tại chân dự án.
Dự án hoàn thiện không những không giúp dân vơi được nỗi lo sạt lở mà tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh thừa nhận việc đơn vị thi công làm không đạt yêu cầu, không đúng hồ sơ thiết kế. Theo như hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công thì việc xử lý chống sạt lở sẽ cắt thành 3 mái taluy nhưng đơn vị mới chỉ cắt thành 2 tầng tại 1 số vị trí để chống sạt lở, nhiều vị trí không cắt tầng, cung sạt lở cao.
Ông Cường lý giải: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do thời gian dự án cố định, do vỉa đá gây khó khăn trong việc giật cấp taluy…
Được biết, ngày 01/11/2021, Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hà Trung, UBND xã Hà Lĩnh tiến hành kiểm tra thực tế, nội dung kiểm tra nêu rõ: Khu vực núi Biềng Kha tại thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (tương ứng với Km4+800-Km4+900, Quốc lộ 217): Phần chân núi phía sau công trình nhà ở của một số hộ dân đã bị đào bạt, tạo vách thẳng đứng cao từ 3-7m, khoảng cách từ chân núi đến công trình của các hộ dân từ 10-15m. Việc đào bạt chân núi tạo vách đứng làm gia tăng rủi ro thiên tai, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đặc biệt khi xảy ra mưa lớn dài ngày.
Khu vực núi Biềng Kha tại thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (tương ứng với Km5+800-Km6+00, Quốc lộ 217) dài khoảng 200m, có 18 hộ dân với 59 nhân khẩu đang sinh sống dọc theo Quốc lộ 217; khoảng cách từ chân núi đến phạm vi nhà ở của các hộ dân khoảng 20-30m, mái dốc trên 45 độ, kết cấu dạng đá vỉa với nhiều vết nứt lộ rõ, nhiều tảng đá có nguy cơ trượt lở rất cao. Phía chân núi có khối lượng đất đá bị sạt lở khoảng 100-150m3 nằm sát với khu công trình tạm (chuồng trại chăn nuôi xây dựng trái phép) của người dân.
Đề nghị UBND huyện Hà Trung chỉ đạo UBND xã Hà Lĩnh và các đơn vị liên quan: Khẩn trương tổ chức cắm biển cảnh báo tại khu vực đang có nguy cơ sạt lở, không để người và vật nuôi đi vào khu vực nêu trên; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai và tình hình sạt lở, thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân đang sinh sống trong khu vực để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.
Rà soát, giải tỏa ngay các công trình do các hộ dân đang lấn chiếm, xây dựng trái phép dưới chân núi Biềng Kha (khu vực đang có nguy cơ sạt lở). Quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm người dân tái lấn chiếm hoặc xây dựng công trình trái phép, làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện Dự án xử lý chống sạt lở đất tại khu vực núi Biềng Kha, thôn Thanh Xá 3 (tương ứng với Km5+800-Km6+00, Quốc lộ 217), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Người dân đã bức xúc kiến nghị nhưng đến nay, sự vào cuộc chỉ là 1 tấm biển cảnh báo sạt lở được cắm tại chân dự án. |
Hiện, để đảm bảo an toàn đối với khu dân cư, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Hà Trung chỉ đạo UBND xã Hà Lĩnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở tại khu vực thôn Thanh Xá 3 theo đúng hồ sơ đã được phê duyệt, đưa khu vực trên về trạng thái an toàn, báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/10.
Yêu cầu quyết liệt là vậy nhưng đến nay, theo ghi nhận, chưa có bất kỳ sự vào cuộc nào từ phía chính quyền địa phương, cũng như cấp ngành chức năng.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Tiến Anh
Theo