(Xây dựng) – Thời gian gần đây, do nhu cầu về sử dụng diện tích để phục vụ nhiều mục đích như làm văn phòng, kinh doanh… đã khiến cho một số biệt thự cổ nằm trong danh mục thuộc diện quản lý và bảo tồn theo Quyết định số 7177/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội bị băm nát và dần biến mất. Điều này đã khiến cho Hà Nội bị mất dần đi giá trị về kiến trúc cũng như văn hoá, lịch sử.
Những năm gần đây, tình trạng biệt thự cổ xuống cấp, biến dạng hay bị cơi nới, xây thêm đang diễn ra tràn lan, điển hình tại các phố như Hàng Chuối, Tăng Bạt Hổ, Bà Triệu, Thợ Nhuộm... |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại các căn biệt thự cổ số 51, 51A, 55 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) đều là biệt thự Nhóm 2 theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội” nay được cải tạo thành quán bia, nhà hàng. |
Theo Quy chế này, việc bảo trì nhà biệt thự Nhóm 2 có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận. Nếu cải tạo phải xin giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (cả về mật độ xây dựng và số tầng, chiều cao). Tuy nhiên, các công trình này đều được cơi nới dàn thép tạo mái che sân cho nhà hàng. |
Biệt thự số 7, ngõ 2, phố Hàng Chuối, vốn là biệt thự Nhóm 3 nhưng bị phá dỡ và thay vào đó là một tòa nhà 7 tầng. Tuy nhiên, người dân vô cùng bất bình bởi một ngõ nhỏ hẹp thì việc xây dựng công trình “khủng” như vậy là bất hợp lý, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Không những thế, công trình xây tầng hầm bị phát hiện sai phạm nên bị đình chỉ thi công. Đến nay vẫn là bãi đất trống. |
Biệt thự Nhóm 3 số 16 Tăng Bạt Hổ (phường Phạm Đình Hổ) cũng đang được sửa chữa, cải tạo thành nhà hàng. |
Biệt thự cổ số 68 - 70 Thợ Nhuộm, chủ nhà dỡ bỏ mái và một số bức tường, thay đổi công năng thành nhà hàng, phá bỏ nhà vệ sinh chung, tự ý chặt hạ cây xanh… |
Đa số biệt thự đều nằm trên các trục đường lớn, có giá thị trường lên đến cả tỷ đồng/m2 nên những biệt thự có 1 chủ sở hữu thường được cơi nới, xây dựng tối đa diện tích. Không ít ngôi biệt thự cũ bị biến dạng cả về hình dáng kiến trúc bên ngoài và mục đích, công năng sử dụng. |
Cán bộ phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Theo quy chế số 52 của UBND thành phố Hà Nội, việc sửa chữa, cải tạo phải làm đơn xin phép, kèm bản vẽ sửa chữa gửi UBND quận. Quận thụ lý hồ sơ, nếu cần thiết sẽ gửi hồ sơ xin ý kiến của các Sở chuyên ngành. Người dân không được phép tự ý sửa chữa. |
Khánh Hòa
Theo