(Xây dựng) - Hà Nội vừa đề xuất tăng 30% giá đất trong 5 năm tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng giá 30% vẫn còn khoảng cách khá xa so với giao dịch thực tế, nhất là ở các tuyến phố lớn trong nội thành.
Giá đất tại một số phố cổ Hà Nội ngang ngửa với phố lớn nổi tiếng trên thế giới như: New York, Paris hay Tokyo (Ảnh Internet). |
Theo đề xuất của Hà Nội, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất là hơn 200 triệu đồng/m2 áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như: Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ. Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với hơn 4,5 triệu đồng/m2.
Để xây dựng khung giá đất, liên ngành thành phố đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường với đất ở tại các quận phổ biến từ 10-500 triệu đồng/m2. Một số khu vực tại quận Hoàn Kiếm có giá chuyển nhượng cao đột biến như: Phố Hàng Bông, Hàng Bạc với mức trên 800 triệu đồng/m2; phố Lý Thường Kiệt hơn 900 triệu đồng/m2.
Còn theo đánh giá thị trường của Công ty Gachvang (Công ty chuyên nghiên cứu về mặt bằng giá đất) tại các tuyến đường quanh phố đi bộ Hà Nội trong 7 tháng đầu năm 2019, giá đất bình quân là 541,6 triệu đồng/m2. Thậm chí, ở khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, giao dịch ở mức 500 - 800 triệu đồng/m2, có không ít nơi giá còn lên đến hơn 1 tỷ đồng/m2. Giá đất này có thể so sánh ngang ngửa với đất tại các thành phố lớn nổi tiếng trên thế giới như: New York, Paris hay Tokyo.
Thành phố Hà Nội cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch giữa bảng giá với thị trường; góp phần thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai; hài hoà lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức giá khảo sát thực tế thành phố đưa ra vẫn thấp hơn nhiều với giá các đơn vị bất động sản công bố trước đó.
Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức điều chỉnh 30% này chưa sát với thị trường. Bởi theo dự tính khung giá đất của Chính phủ, khu vực cao nhất là 340 triệu đồng/m2. Trên thực tế, giá đất tại Hàng Ngang, Hàng Đào là 700-800 triệu đồng/m2, trong khi đó Hà Nội đề xuất cũng chỉ có 210 triệu đồng/m2.
“Như vậy, giá này thấp hơn rất nhiều so với khung giá của Chính phủ, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với giá trị trường. Tức là thấp hơn giá trị thật mà chúng ta cần hướng tới rất nhiều lần”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Nhìn nhận về tác động của việc điều chỉnh giá đất của Hà Nội tới thị trường bất động sản, ông Đặng Văn Quang – Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam cho rằng, với sự điều chỉnh này, nhiều người có suy nghĩ rằng khung giá đất tăng sẽ kéo theo giá bất động sản thành phố sẽ tăng, nhất là phân khúc đất nền. Thêm nữa, khi giá đất tăng, giải phóng mặt bằng tăng, chi phí thu hồi đất, tạo quỹ đất cho các dự án bất động sản tăng sẽ làm chi phí tăng. “Tuy nhiên, mức tăng này đều chia đều cho toàn bộ dự án thì chi phí tăng sẽ không hề lớn”, ông Quang phân tích. Theo ông Quang, việc thay đổi khung giá đất chỉ là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá bất động sản Hà Nội, và nếu có tăng thì thực chất do yếu tố tâm lý là chủ yếu chứ không phải do Hà Nội điều chỉnh giá đất.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group - nhận định, với việc điều chỉnh giá đất, 4 quận trung tâm sẽ giữ ổn định, hoặc chỉ tăng nhẹ. Còn các huyện ngoại thành sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới với mức tăng từ 20-30 trong thời gian tới.
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, giá nhà phố những tháng qua tại Hà Nội đã tăng giá đáng kể, mức tăng 3 - 5% tại quận Cầu Giấy, Đống Đa. Còn ở 4 quận trung tâm nội thành, do đã thiết lập mặt bằng giá cao ngất ngưởng như: Ba Đình, Hai Bà Trưng đều ghi nhận biên độ tăng giá thấp nhất, dao động từ 2 - 2,8%. Ngược lại, những quận, huyện lân cận trung tâm lại có biên độ tăng lớn hơn, thậm chí có nơi tăng 10 đến 30% chỉ sau một năm như: Đông Anh, Hoài Đức, Long Biên...
Vân Anh
Theo