Thứ tư 13/11/2024 04:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hà Nội: Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm tại công trình Discovery Complex số 302 Cầu Giấy

16:33 | 07/12/2022

(Xây dựng) – Chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải quyết liệt trong công tác xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và kiên quyết xử lý nghiêm đối với công trình, dự án chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản người dân.

Hà Nội: Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm tại công trình Discovery Complex số 302 Cầu Giấy
Hàng loạt văn phòng và gian hàng tại tòa văn phòng và trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động mặc dù chưa được nghiệm thu PCCC.

Như đã thông tin ở bài trước, dự án Discovery Complex tại số 302 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dính hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa người dân vào ở, cho hàng loạt doanh nghiệp thuê văn phòng, sàn thương mại bất chấp quy định pháp luật. Người dân bỏ tiền tỷ mua nhà rồi phải sống trong lo sợ, không thể đăng ký tạm trú, chưa được cấp sổ hồng sau nhiều năm chờ đợi, kêu cứu còn doanh nghiệp thì phải hoạt động “chui” ngay tại trung tâm thương mại hiện đại, lớn bậc nhất quận Cầu Giấy.

Người dân cho rằng, trước khi mua nhà, chủ đầu tư, bên bán hàng đưa ra những lời hứa hẹn “có cánh” nhưng đến nay, mọi lời hứa hẹn không được thực hiện, đó là sự lừa dối, lạm dụng lòng tin của khách hàng.

Trong vai người có nhu cầu thuê văn phòng, gian hàng thương mại tại Dự án Discovery Complex, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều gian hàng, văn phòng đã được cho thuê, lượng người ra vào, hoạt động, kinh doanh mua bán, làm việc tại dự án này là rất lớn, con số lên đến hàng trăm người, nhưng thật bất ngờ khi hệ thống PCCC tại dự án chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu, điều này được chính nhân viên tư vấn, của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy chia sẻ. Cũng theo vị này, chính vì chưa được nghiệm thu PCCC nên các đơn vị đến đây thuê thì không thể đăng ký 1 số giấy phép, ngành nghề mà cơ quan cấp phép yêu cầu phải xuất trình giấy phép nghiệm thu PCCC của tòa nhà.

Hà Nội: Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm tại công trình Discovery Complex số 302 Cầu Giấy
Dự án Discovery Complex tại số 302 Cầu Giấy chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở dẫn đến phát sinh nhiều bất cập, hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Một vấn đề rất lớn cần được các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội lý giải, đó là tại sao Dự án Discovery Complex vẫn ngang nhiên hoạt động khi có nhiều vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt khi chưa được nghiệm thu PCCC. Nếu xảy ra cháy nổ ai sẽ chịu trách nhiệm? Các cơ quan có thẩm quyền về quản lý, giám sát PCCC đã có những hành động cụ thể gì để thực thi chức trách của mình?

Nói về hành lang pháp lý trong công tác thực hiện, đảm bảo an toàn cháy nổ chúng ta đã có Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, sửa đổi 2013; có 7 Nghị định về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, giám sát, xử lý đối với lĩnh vực PCCC; có 7 Thông tư hoặc Thông tư liên tịch về vấn đề này nên việc có chấp hành, có đảm bảo, có tuân thủ không là do con người, ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý.

Hà Nội: Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm tại công trình Discovery Complex số 302 Cầu Giấy
Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS.

Để tìm hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về công tác thẩm duyệt, cấp phép, giám sát, quản lý cũng như các chế tài xử lý vi phạm về PCCC, chúng tôi đã nhận được chia sẻ từ Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội):

Theo Điều 16 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình chung được quy định như sau: Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn PCCC của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.

Trong quá trình thi công công trình, nếu có thay đổi thiết kế thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được duyệt lại và chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải bảo đảm an toàn về PCCC thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Trong quá trình sử dụng công trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện về PCCC.

Theo đó, chủ đầu tư dự án thực hiện thủ tục duyệt dự án, chỉ được thi công xây dựng khi thiết kế về an toàn PCCC của công trình đã được duyệt và tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng. Trong trường hợp đưa vào sử dụng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC thì sẽ thuộc các hành vi bị cấm theo Luật Phòng cháy chữa cháy.

Về chế tài khi có vi phạm, theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS cho rằng: Khi đầu tư xây dựng dự án chung cư, chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC. Nếu xảy ra thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra thì phải chịu những mức xử lý theo quy định về hành chính, nghiêm trọng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật có quy định chi tiết như:

Về hành chính, cụ thể tại Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về việc quy định xử lý vi phạm PCCC trong đầu tư, xây dựng như sau:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Khôi phục lại tính chất sử dụng công trình hoặc phương tiện giao thông cơ khí đã được cấp giấy chứng nhận hoặc theo văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC; Dừng thi công công trình chưa được thẩm duyệt về quy định PCCC; Tiêu hủy phương tiện giao thông cơ giới đã chế tạo khi chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC; Buộc thực hiện nghiệm thu về PCCC đối với các hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; Buộc thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với các hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động do chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC; Buộc nộp lại giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoặc giấy tờ khác liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Về xử lý trách nhiệm hình sự: Trong trường hợp hành vi trên gây ra hậu quả thiệt hại người và tài sản, tùy theo mức độ thiệt hại thì chủ đầu tư có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về PCCC.

Cụ thể, tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định như sau: Người nào vi phạm quy định về PCCC gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Vi phạm quy định về PCCC trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành lang pháp lý quy định và cả chế tài về xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC đã rõ, cụ thể. Thực tế chỉ ra rằng, cháy nổ là vấn đề hết sức phức tạp, khó lường, nguy hiểm và nếu xảy ra thì thiệt hại thường rất nghiêm trọng. Thế nên, việc đảm bảo đúng quy định về PCCC là hết sức cần thiết. Chúng tôi cho rằng, đối với các dự án chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động trên cả nước nói chung và Dự án Discovery Complex nói riêng cần phải chấp hành nghiêm túc quy định này. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không vì lợi ích kinh tế của 1 số người, 1 số doanh nghiệp mà bất chấp nguy hiểm sức khỏe tính mạng của con người.

Nhiều người dân ở đây cho biết, họ đã bị chủ đầu tư lừa gạt khi bàn giao nhà vào ở, đồng thời có nhiều người còn bị chủ đầu tư phạt rất nhiều tiền nếu không đóng tiền đúng thời hạn và nhận nhà bàn giao đúng thời hạn. Những hành vi nêu trên của chủ đầu tư mang tính chất lừa dối khách hàng và “ăn chặn” tiền của những người mua nhà dưới hình thức phạt trả chậm trong khi công trình không đầy đủ các điều kiện đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật đặc biệt là vấn đề PCCC của tòa nhà. Điều này gây ra nhiều tiềm ẩn ảnh hưởng đến tính mạng và đời sống của người dân. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đỗ Lê

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load