(Xây dựng) - Lấn chiếm trái phép dọc bãi sông Hồng đang trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay tại một số quận, huyện ven sông của Hà Nội. Việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, dẫn đến việc lấn chiếm kéo dài nhiều năm và diễn biến ngày càng phức tạp.
Nhiều nhà thuyền tự phát tại dọc bãi sông Hồng |
Lấn chiếm trái phép trên bãi sông Hồng đang trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay trở lại đây, các nhà hàng nổi xuất hiện, công trình nhà dân cơi nới xây dựng, các khu nghỉ dưỡng trên thuyền ngày càng nhiều; bất chấp việc mất cảnh quan, mất an toàn cho người sử dụng.
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, dọc bãi sông Hồng thuộc địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm... cho thấy, tình trạng lấn chiếm bãi sông Hồng đang diễn ra rất phức tạp. Như tại quận Long Biên, khu vực từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Long Biên rất nhiều công trình được dựng lên bằng khung sắt quây tôn, làm nhà ở, xưởng chứa hàng.
Tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), do đặc thù có vùng bãi rộng trồng hoa, cây cảnh. Nhưng trong quá trình hoạt động đã tự ý xây dựng nhà bè kiên cố để sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Nhà bè được xây dựng cuối ngõ 97 đường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. |
Không chỉ có người dân, mà còn cả doanh nghiệp, tổ chức cũng lấn chiếm hành lang bãi sông Hồng. Đơn cử như cuối phố Chương Dương Độ thuộc địa bàn dân cư Bạch Đằng 2 (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) xuất hiện khu nhà nổi hoành tráng trưng biển Nhà hàng Kiều Gia, bên trên là dòng chữ Bến tàu Du lịch sông Hồng. Đi khoảng 10m trên cầu tàu là công trình nhà nổi có diện tích hơn trăm mét vuông, kế ngoài là một công trình khác đang trong quá trình xây dựng trên phương tiện thủy neo cố định.
Bến tàu Du lịch sông Hồng sử dụng tại dọc bãi sông Hồng. |
Kế tiếp Nhà hàng Kiều Gia (The Great Wall floating house) là công trình có kiến trúc cổ, giống “biệt phủ”... Công trình được dựng trên một phương tiện thủy có diện tích khoảng 200m2, kiểu nhà sàn bằng gỗ, 4 mái kiên cố. Hai bên có thêm hai phân khu phụ trợ có kết cấu tương đối giống với khu chính, mỗi khu có diện tích vài chục mét vuông.
Vị trí của Nhà hàng Kiều Gia trên định vị của bản đồ (Ảnh chụp Bản đồ vệ tinh). |
Nhà hàng được xây dựng kiên cố, thách thức dư luận tại bãi sông Hồng. |
Trước thực trạng vi phạm kéo dài tại khu vực bãi sông Hồng, ngày 27/6/2019, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản chỉ đạo các Phòng, ban chuyên môn và đơn vị phụ trách đoạn sông Hồng qua địa phận Hà Nội kiểm tra, xử lý. Cùng thời điểm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, UBND các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm... cũng chỉ đạo đơn vị chức năng cùng UBND các phường phối hợp kiểm tra, xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Theo UBND phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho biết, Nhà hàng Kiều Gia thuộc quản lý của Công ty Trường Thành. Công ty này hợp tác với Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển Du lịch sông Hồng (thuộc Công ty Cổ phần Thăng Long GTC) kinh doanh. Công trình nhà riêng như biệt phủ bên cạnh là của Công ty Cổ phần Phụ tùng Hoàng Kim. Công ty này chỉ có văn bản thỏa thuận của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho trông giữ phương tiện giao thông trên bờ và đang trong quá trình làm thủ tục thuê đất, không được cấp phép bến thủy nội địa và không có các giấy tờ liên quan khác.
Hướng về phía cầu Long Biên, đoạn sát bờ sông Hồng địa phận phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng có 3 nhà hàng: Sông Hồng View, Phương Linh, Bếp Ngư Ông. Ước chừng mỗi nhà hàng có diện tích hàng trăm mét được dựng trên một chiếc tàu cũ cỡ lớn được neo cố định và trên các thùng phuy nhựa. Các nhà hàng này hoạt động từ trưa đến đêm và liên tục đón tiếp các thực khách.
Lối vào nhà hàng Phương Linh sát mép với bờ sông Hồng. |
Tình trạng lấn chiếm trái phép trên bãi sông Hồng chưa được xử lý dứt điểm, dẫn đến việc nhiều người dân tự ý xây dựng, quây tôn để sử dụng sai quy định. Cụ thể, tại khu vực tổ dân phố số 10, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) từ nhiều năm nay xảy ra tình trạng một số hộ dân sử dụng trái phép đất khu vực bãi bồi ven sông Hồng ở ngõ 293 đường Ngọc Thụy. Một số hộ đã san lấp mặt bằng khu đất bãi rồi quây tôn để trồng cây, làm nơi để ôtô, thậm chí xây dựng nhà tạm, ảnh hưởng đến thoát lũ và vi phạm trật tự đô thị.
Đất bãi bồi tại khu vực tổ dân phố số 10, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) bị một số hộ dân quây lưới sắt sử dụng cho mục đích cá nhân. |
Tại đây, các hộ dân chủ yếu làm nhà quay ra phía bờ sông Hồng, phía trước nhà là con đường bê tông rộng khoảng 3m và gần đó là dải đất bãi bồi bên bờ sông, kéo dài khoảng gần 1km. Dọc bãi bồi này, thời gian qua, nhiều người dân đã tự ý san lấp bằng phẳng để sử dụng vào việc trồng cây, nuôi gia cầm, nơi để ôtô... Mỗi phần đất bãi bồi do một số hộ dân sử dụng, có làm cửa ra vào bằng lưới thép và được khóa cẩn thận để bảo vệ “tài sản” trên đất. Thậm chí, có một số hộ đã xây dựng nhà tạm trên phần đất lấn chiếm, ngang nhiên sử dụng như đất ở lâu dài. Hiện tại khu vực này có khoảng 30 “công trình” xây dựng trái phép và hiện nay một số gia đình khác đã tập kết gạch, cát, có dấu hiệu chuẩn bị xây dựng công trình trên đất bãi bồi.
Có thể nói, việc lấn chiếm 2 bên sông Hồng đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng, cần sự mạnh tay xử lý của chính quyền. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Thành phố có thêm 17 sự cố sụt lún đê, kè, cống; sạt lở bờ sông... Xảy ra những sự cố trên, ngoài nguyên nhân do thiên tai, bão lụt, một phần lớn xuất phát từ yếu tố chủ quan của con người. Việc xây dựng công trình, tập kết vật liệu, đổ đất thải, phế thải san lấp mặt bằng, tôn nền ở bãi sông trong hành lang thoát lũ… không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Dù với bất kỳ lý do nào thì việc lấn chiếm, sử dụng đất công cho mục đích cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, đề nghị chính quyền nhanh chóng có biện pháp cương quyết, xử lý vi phạm, lập lại trật tự xây dựng đô thị, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời có biện pháp siết chặt quản lý, ngăn chặn các vi phạm tái diễn.
Thảo Phương – Duy Thanh
Theo