(Xây dựng) – Liên quan đến những sai phạm tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội), dư luận cho rằng, cần làm rõ động cơ của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh khi “nhắm mắt” ký văn bản phản hồi "sai sự thật” gửi báo chí nhằm che dấu sai phạm với lý do đang cho thanh, kiểm tra. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Đông Anh trong quá trình tổ chức đấu giá đất và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu cho UBND TP. Hà Nội trong việc phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án này.
Việc đưa ra giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án này chưa đảm bảo, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. |
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh có quan liêu?
Như Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin tại các bài viết trước, ngày 9/11 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về các hành vi vi phạm các quy định về bán đấu giá tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn, xảy ra tại huyện Đông Anh.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1970), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn dược phẩm Vimedimex và các thuộc cấp gồm: Nguyễn Hưng, Nguyễn Xuân Đức..., để điều tra các vi phạm về hoạt động bán đấu giá tài sản, quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, một số cá nhân làm việc tại Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đông Anh, Công ty Cổ phần thẩm định giá và đầu tư Hà Nội cũng bị cáo buộc có hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự do có hành vi thông đồng hạ giá khởi điểm để đấu giá đất tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội). Cơ quan điều tra đã xác định thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 200 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 28/6/2021, Báo điện tử Xây dựng đã có bài phản ánh về những dấu hiệu “bất thường” liên quan đến Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Ngay sau khi bài báo được đăng tải, UBND huyện Đông Anh đã có văn bản gửi Báo điện tử Xây dựng; tại Văn bản số 2069/UBND-QLDA ngày 8/7/2021 do ông Nguyễn Xuân Linh – Chủ tịch UBND huyện Đông Anh ký. Ông Nguyễn Xuân Linh khẳng định: Công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở đối với các ô đất thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh đã được triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, động cơ gì khiến Chủ tịch UBND huyện Đông Anh ký văn bản gửi cơ quan báo chí phản hồi “sai sự thật” nội dung sự việc nhằm cố tình bao che cho sai phạm của thuộc cấp. Trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Đông Anh là gì? Những sai phạm này sẽ xử lý ra sao? Nếu không có sự bao che của cấp trên, cán bộ “cỏn con” của Ban quản lý dự án huyện Đông Anh có “gan trời” cũng không dám làm những việc “tày đình” đến vậy?
Cần làm rõ việc tham mưu của các Sở, ngành trong việc trình UBND ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trước đó UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất khu đất này với giá 18.200.000 đồng/m2.
Cụ thể, ngày 23/10/2020, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký ban hành Quyết định số 4759/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khu đấu giá Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Theo đó, xét đề nghị của Sở Tài chính - Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thành phố; Tờ trình số 9282 của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án với giá là 18.200.000 đồng/m2.
Thời điểm áp dụng giá khởi điểm để đấu giá trong vòng 12 tháng kể từ ngày UBND thành phố ký ban hành Quyết định.
UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm chỉ thực hiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành mọi điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành. Sau khi tổ chức đấu giá, UBND Huyện Đông Anh có trách nhiệm báo cáo tổng hợp kết quả đấu giá khu đất trên cho Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi Hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 và tổ chức đấu giá, bà Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 công ty tham gia đấu giá. Với hành vi chỉ đạo các đối tượng cấp dưới thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, 1 công ty mà bà Nguyễn Thị Loan nắm quyền chi phối đã trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Chỉ sau đúng 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Nguyễn Thị Loan đã cho bán đất, trong đó thửa có giá cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2.
Có thể thấy rằng, Luật Đấu giá tài sản 2016 ra đời là một dấu mốc quan trọng với thị trường bất động sản. Theo đó, hệ thống pháp luật chính thức có một bộ luật chính thức về đấu giá tài sản. Trong đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất là phương thức giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Việc đấu giá quyền sử dụng đất sẽ tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường đất đai, bất động sản. Ngoài ra, đấu giá quyền sử dụng đất góp phần tạo sự ổn định, sự minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích người sử dụng đất.
Vai trò của đấu giá đất quan trọng là vậy, tuy nhiên theo tổng kết của Bộ Tư pháp, thì hoạt động đấu giá tài sản còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập và nổi nên trong số đó là các thủ đoạn vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá; đã xảy ra không ít vụ đấu giá có biểu hiện tiêu cực như: “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng” “sách nhiễu” được phát hiện và nhiều vụ việc khác đã được điều tra, khởi tố, xét xử…
Để xảy ra tình trạng trên, một trong những nguyên nhân đến từ một bộ phận Cán bộ, Đảng viên có chức có quyền, thoái hóa, biến chất, bị cám dỗ về lợi ích kinh tế, cố tình làm trái các quy định của pháp luật nhằm trục lợi cho bản thân.
Có thể thấy, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét. Nhưng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, ngày càng tập trung vào số Đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước.
Sự việc này một lần nữa là bài học kinh nghiệm liên quan đến công tác đấu giá đất tại các địa phương hiện nay. Phải chăng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thay đổi biện pháp giám sát, để tránh tình trạng chính quyền, doanh nghiệp, cơ quan đấu giá “làm trò” với nhau gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước? Cũng đã đến lúc cần có những thay đổi trong quy trình đấu giá đất? Cần công khai tài liệu thể hiện kết quả đấu giá đảm bảo tính khách quan, đúng quy định pháp luật, để tránh xảy ra những sai sót.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đối với quyền lợi của khách hàng đặt cọc mua dự án Helianthus Center Red River, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp khẳng định: Toàn bộ số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ hoặc trả lại cho tổ chức cá nhân đã bỏ tiền ra để mua các lô đất của dự án này. Sau khi có quyết định hủy kết quả đấu giá, Nhà nước sẽ nhận lại toàn bộ lô đất để quản lý. Đối với các tổ chức, cá nhân đã nộp tiền đặt cọc hoặc đã nhận chuyển quyền các lô đất của dự án này thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh lý hợp đồng, hoàn trả lại tiền và bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các tổ chức cá nhân đứng ra giao dịch để nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với các lô đất sau khi đã trúng đấu giá sẽ được xác định là người thứ ba ngay tình, được pháp luật bảo vệ. Trường hợp doanh nghiệp không tự nguyện trả lại tiền và bồi thường thiệt hại, những người đã nộp tiền cho doanh nghiệp có thể yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. |
Ngọc Hân – Khánh An
Theo