(Xây dựng) - Các quy định mới trong Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 27/11/2023 đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh điều kiện, thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản hóa và thuận tiện hơn cho cán bộ, công chức vay xây dựng nhà ở.
Liên quan đến tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay có 2 chương trình tín dụng đang được áp dụng, triển khai (Ảnh minh họa). |
Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách, trong đó có đối tượng là cán bộ, công chức.
Liên quan đến tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay có 2 chương trình tín dụng đang được áp dụng, triển khai.
Thứ nhất, hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có lãi suất vay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay là 4,8%; thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm.
Thứ hai, ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó đã có giải pháp về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu của Đề án 01 triệu căn hộ; thực hiện trong giai đoạn 2023-2030 với đối tượng là chủ đầu tư (để đẩy mạnh nguồn cung), khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (để hỗ trợ nguồn cầu) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023, thì thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu và lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với Người mua nhà là 8,2%/năm.
Đáng chú ý, ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025). Các quy định mới trong Luật Nhà ở đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh điều kiện, thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản hóa và thuận tiện hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Xây dựng đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, trong đó có Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để đảm bảo hiệu lực đồng bộ với quy định của Luật Nhà ở.
Khôi Nguyên
Theo