(Xây dựng) - Để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, năm 2010 Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) giai đoạn 2010 đến 2020 với mục tiêu chung là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành Công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Cụ thể là phát triển sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020.
Ảnh minh họa. |
Tại Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về Quản lý vật liệu xây dựng được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014, điều Điều 37 về chính sách chung phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường có nêu rõ “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường” và giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều này. Căn cứ Nghị định 24a Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2017/TT-BXD năm 2017 về Quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng, tại Điều 3 của Thông tư này quy định các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXKN trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 100%; các tỉnh Đồng bằng Trung du Bắc bộ và các tỉnh vùng Đông Nam bộ tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; các tỉnh còn lại tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%. Thông tư cũng quy định các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Sau 10 năm thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các pháp luật có liên quan đến sử dụng vật liệu xây không nung, tổng hợp báo cáo Tổng kết chương trình 567 của 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về cuối năm 2020 và số liệu điều tra của Bộ Xây dựng, các chủng loại VLXKN đã được đầu tư, phát triển trong thời gian qua bao gồm: Gạch bê tông (gạch xi măng-cốt liệu); gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; gạch bê tông bọt; tấm bê tông rỗng đùn ép (Acotec); tấm tường bê tông khí chưng áp... Tính đến hết năm 2018, số lượng cơ sở sản xuất gạch không nung là khoảng 2.500 cơ sở với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 12,6 tỷ viên QTC/năm, chiếm trên 30% tổng công suất thiết kế vật liệu xây (tại thời điểm năm 2010 chỉ chiếm khoảng 5- 8%). Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2020, do khó khăn về tiêu thụ, nhiều cơ sở sản xuất có công suất nhỏ đã buộc phải dừng sản xuất, số cơ sở sản xuất vật liệu không nung hiện nay đang hoạt động khoảng trên 1.600 cơ sở; nhiều cơ sở phải giảm sản lượng sản xuất. Tổng công suất thiết kế còn khoảng 10,2 tỷ viên QTC/ năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây). Sản lượng sản xuất VLXKN toàn quốc năm 2019 đạt 4.830 triệu viên QTC; 4 triệu m2 tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn và 95 triệu m2 tấm tường thạch cao. So sánh với mục tiêu của Chương trình 567 Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020 thì kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình, tỷ trọng VLXKN trên tổng lượng vật liệu xây (xét về công suất thiết kết) đạt xấp xỉ ở ngưỡng thấp so với mục tiêu của Chương trình đã đặt ra, song sản lượng sản xuất thì chỉ bằng 45-50% công suất thiết kế.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nguyên nhân của hạn chế trên là do hệ thống văn bản về tiêu chuẩn, định mức, các giải pháp thi công, hướng dẫn thi công, nghiệm thu chưa được ban hành kịp thời cho các chủng loại sản phẩm mới ra thị trường. Các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXKN đã được ban hành nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp đầu tư chưa được hưởng ưu đãi như chính sách đã ban hành (miễn giảm các loại thuế đối với nhà đầu tư sản xuất vật liệu nhẹ).
Một số địa phương chưa thực hiện triệt để lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sản lượng gạch đất sét nung còn chiếm tỷ trọng lớn, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm VLXKN. Việc ban hành còn chậm, chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến việc sản xuất tiêu thụ VLXKN. Việc biên soạn giáo trình và đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp các giáo trình mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dựng sử dụng VLXKN chưa được thực hiện một cách đồng bộ. Việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra trong việc thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng VLXKN của các cơ quan Trung ương và địa phương chưa quyết liệt và thường xuyên. Vẫn còn tình trạng chủ đầu tư/nhà thầu chưa tuân thủ đúng quy định của Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 về sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân chưa được đào tạo bài bản, chưa kiểm soát tốt các yếu tố tác động đến chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXKN chưa có các giải pháp tổ chức quản lý sản xuất toàn diện nên chất lượng sản phẩm của nhiều cơ sở chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng gạch bê tông chưa đủ ngày tuổi đã xuất kho đưa vào công trình gây hiện tượng co ngót mạnh trong khối xây gây nứt. Mẫu mã một số loại sản phẩm gạch bê tông chưa đa dạng, nhiều nhà sản xuất sử dụng kích thước tiêu chuẩn của gạch đất sét nung để sản xuất gạch không nung nên chưa phát huy được thế mạnh của gạch không nung là có thể sản xuất với kích thước lớn, độ rỗng lớn giảm tiêu hao nguyên vật liệu, hạ giá thành.
Bên cạnh đó, số lượng các nhà sản xuất VLXKN dạng tấm lớn còn ít nên dạng kết cấu này còn chưa phổ biến mặc dù có nhiều ưu điểm về chất lượng, tốc độ thi công, tiết kiệm vật tư phụ và giảm giá thành khi áp dụng với khối lượng lớn ở các công trình cao tầng. Giá sản phẩm gạch xây không nung vẫn chưa hấp dẫn, chưa cạnh tranh được với gạch đất sét nung, đặc biệt là gạch bê tông khí chưng áp, mặc dù có nhiều ưu điểm là cách âm, cách nhiệt tốt nhưng do vốn đầu tư dây chuyền lớn nên sản phẩm có giá thành cao. Chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXKN có hệ thống nhân lực và bộ phận kỹ thuật đủ năng lực, chủ động, tích cực bám sát công trình, hướng dẫn kỹ thuật thi công vật liệu và phụ kiện, xử lý kỹ thuật kịp thời đối với những trường hợp sự cố nứt, thấm...
Để khắc phục tình trạng trên, trong chiến lược phát triển VLXD Việt Nam giai đoạn 2021-2030, theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 09/2021/NĐ-CP về Quản lý vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1266/QĐ – TTg ngày 18/8/2021 có nội dung tiếp tục đầu tư phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung, sản lượng sản xuất VLXKN chiếm tỷ trọng so với tổng lượng gạch xây khoảng 35 - 40% vào năm 2025; 40 - 45% vào năm 2030; đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo quy định. Để đảm bảo mục tiêu trên, Bộ Xây dựng đã nêu ra 3 nhóm giải pháp chính, bao gồm:
Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: Quy định tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu nhẹ đối với các công trình khác nhau theo nguồn vốn, theo vị trí địa lý và đặc thù công trình. Ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, đối với các dự án đầu tư sản xuất VLXKN, dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch bê tông công suất từ 20 triệu viên QTC/năm trở lên.
Nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp về khoa học công nghệ, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm VLXKN, thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng VLXKN. Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm VLXKN và hạ giá thành công trình sử dụng VLXKN. Nghiên cứu tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất VLXKN nhằm xử lý phế thải, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nhóm giải pháp về đào tạo, thông tin, tuyên truyền: Biên soạn giáo trình và đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dựng sử dụng vật liệu không nung. Xây dựng đề án tuyên truyền đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền để các nhà quản lý, đặc biệt là chính quyền đô thị, các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng và mọi người dân có ý thức, trách nhiệm sử dụng VLXKN thay cho sử dụng gạch đất sét nung nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Đặng Ngân
Theo