Thứ sáu 08/11/2024 05:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Giải pháp nào để thu hút đầu tư nước ngoài vào phân khúc bất động sản Việt Nam?

02:46 | 14/07/2023

(Xây dựng) – Trước thực trạng Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), tại hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 13/7 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới.

Giải pháp nào để thu hút đầu tư nước ngoài vào phân khúc bất động sản Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư phát biểu tại hội thảo.

Thực trạng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS

Trong 35 năm qua, đầu tư nước ngoài đã khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, góp phần thúc đẩy ba chuyển đổi cơ bản của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư nước ngoài đã tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện rõ rệt uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, lĩnh vực bất động sản là một trong các lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 35 năm qua, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng. Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã góp phần chuẩn hóa thị trường bất động sản tại Việt Nam, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam có những công trình bất động sản đạt tiêu chuẩn tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

Lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Trong đó, đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu tư là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. Về địa phương đã có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản, trong đó TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.

Từ năm 2010 đến nay, bất động sản đứng thứ hai thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Trong 3 năm 2020 - 2022 Việt Nam đã thu hút được 87,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Vốn FDI đăng ký vào bất động sản năm 2020 đạt 987 triệu USD, chiếm 13,6%, năm 2021 đạt 1,390 tỷ USD, chiếm 9,1% và năm 2022 đạt 1,816 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn FDI đăng ký.

Giải pháp nào để thu hút đầu tư nước ngoài vào phân khúc bất động sản Việt Nam?
Ngành bất động sản Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư FDI lớn với hình thức ngày càng đa dạng.

Về quy mô dự án, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lên đến hàng tỷ USD như dự án: Công ty TNHH Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu; thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, Công ty TNHH phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam...

Đánh giá tiềm năng và cơ hội

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư như: Chính trị ổn định, an toàn; Tăng trưởng kinh tế cao; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào; thị trường tiềm năng; vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài thuận lợi cho xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng. Hệ thống luật pháp, chính sách và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch và đang tiếp tục được hoàn thiện”.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành bất động sản.

Theo CBRE, khi các nhà đầu tư quốc tế bàn luận về những thị trường mới nổi năng động nhất trên toàn cầu, họ thường nhắc tới Việt Nam. Có 2 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm đó là động lực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập tăng nhanh.

Ngân hàng thế giới nhận định, lợi thế về dân số trẻ có học thức cao của Việt Nam đã giúp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Điều đó thúc đẩy triển vọng của các nhà đầu tư quốc tế trong việc tạo dấu ấn tại thị trường bất động sản có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

Chia sẻ về thực tế các nhà đầu tư BĐS nước ngoài vào Việt Nam, Giáo sư. TSKH Nguyễn Mại cho biết: “Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào bất động sản, đứng đầu là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và thực trạng khả quan, một số dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai cũng như nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời; Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài; Tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ. Theo các chuyên gia, tất cả các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Giải pháp tăng cường thu hút

Giải pháp nào để thu hút đầu tư nước ngoài vào phân khúc bất động sản Việt Nam?
Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư tại nước ta, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel ..) phù hợp với thông lệ quốc tế; Chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.

Giáo sư TSKH Nguyễn Mại cho biết, phía trước chúng ta là thách thức không nhỏ, nhưng cơ hội là rất lớn, đòi hỏi phải tư duy và hành động sáng tạo để vượt qua thách thức, biến cơ hội thành hiện thực phát triển nhanh hơn và có hiệu quả hơn thị trường bất động sản theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải nhà kính, góp phần cùng với các quốc gia khác hướng đến mục tiêu chỉ tăng nhiệt độ trái đất không quá 1,5o C vào năm 2050.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load