Thứ sáu 20/09/2024 22:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Gia Lâm (Hà Nội): Chính quyền thừa nhận trách nhiệm trong việc sửa chữa nhà Mẫu chùa Kiêu Kỵ

10:41 | 22/07/2020

(Xây dựng) - Liên quan đến việc tu sửa cấp thiết nhà Mẫu chùa Kiêu Kỵ khi xây dựng gần xong phần thô đã bị hạ giải vì thi công không đúng với thiết kế và vị trí xây dựng. Tại buổi làm việc với Báo điện tử Xây dựng, Trưởng phòng văn hóa huyện Gia Lâm thừa nhận trách nhiệm, khi chưa kịp thời kiểm tra, giám sát “nếu mình kiểm tra sớm hơn sẽ giảm thiệt hại, quy trình xây dựng sẽ diễn ra nhanh hơn”.

gia lam ha noi chinh quyen thua nhan trach nhiem trong viec sua chua nha mau chua kieu ky
Công trình xây dựng nhà Mẫu chỉ còn lại móng, các dấu tích việc phá dỡ vẫn còn nguyên.

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, nhà Mẫu thuộc chùa Kiêu Kỵ đã bị sập sau một trận mưa lớn năm 2018. Việc xây dựng lại nhà Mẫu thuộc chùa Kiêu Kỵ rất cấp thiết, là mong mỏi của nhiều phật tự. Đến tháng 9/2019, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng cùng với nguồn kinh phí xã hội hóa, UBND xã Kiêu Kỵ (chủ đầu tự dự án) đã xây dựng lại nhà thờ Mẫu này. Tuy nhiên, hồ sơ thiết kế gửi về Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội được phê duyệt vật liệu xây dựng bằng gỗ, nhưng khi xây dựng lại được làm bằng bê tông. Chính vì vậy, khoảng tháng 11/2019 công trình này đã bị ngừng thi công, phá dỡ toàn bộ trở lại nguyên trạng ban đầu.

Báo cáo của UBND huyện Gia Lâm về việc khắc phục vi phạm trong công tác tu bổ, tôn tạo hạng mục nhà Mẫu, chùa Kiêu Kỵ nêu rõ: Ngày 25/10/2019 Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hà Nội phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin kiểm tra công tác tu bổ, tôn tạo chùa Kiêu Kỵ và đã lập biên bản đề nghị tạm dừng thi công do đơn vị chủ đầu tư tự ý dịch chuyển vị trí công trình, thay đổi vật liệu xây dựng không báo cáo cấp có thẩm quyền. Hiện trạng đã xây xong phần tường xung quanh, dựng cột, vì kèo, quá giang bằng bê tông.

Ngày 31/10/2019, UBND huyện Gia Lâm đã có Văn bản số 233/VP-TH giao UBND xã Kiêu Kỵ đình chỉ tuyệt đối thi công công trình, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định trước ngày 30/11/2019. Giao Phòng Văn hóa và Thông tin, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND xã Kiêu Kỵ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý để công trình thi công không đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Có biên bản báo cáo huyện trước ngày 30/11/2019.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Văn Giảng - Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cho biết: Việc xây dựng nhà Mẫu, Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội chấp thuận tính cấp thiết trùng tu, cải tạo rồi nhưng trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công sai thiết kế, chúng tôi yêu cầu làm lại thủ tục từ đầu. Chúng tôi chỉ lập biên bản, đơn vị thi công tự tháo dỡ, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công.

Đối với trách nhiệm của chủ đầu tư, ông Giảng khẳng định: “Chúng tôi phát hiện ra sai thì chúng tôi yêu cầu dừng lại, còn trách nhiệm gì nữa. Chúng tôi là người giám sát, khi phát hiện ra sai thì đã yêu cầu dừng lại rồi. Trách nhiệm thuộc về đơn vị xã hội hóa. Phần tiền đầu tư cho thiệt hại đó thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm. Từ tư vấn thiết kế, xin chủ trương, giám sát...tất cả các thủ tục đó đề nghị đơn vị xã hội hóa làm. UBND xã chỉ ký các hồ sơ để trình các cấp, xin thủ tục pháp lý”.

Để khách quan thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi nhanh với cán bộ kỹ thuật, Công ty Cổ phần xây dựng Highland (đơn vị thi công dự án). Vị này cho biết: Ngày nào bên tôi cũng có nhật ký thi công, yêu cầu thay đổi vị trí các thứ đều có ý kiến của sư thầy đồng ý. Bây giờ không ai phải chịu trách nhiệm thì bọn tôi phải chịu thiệt hại thôi. Sư thầy không có trách nhiệm gì trong đấy, chủ đầu tư là xã, nhưng bây giờ họ không nhận thì bọn tôi phải chịu thôi cũng chẳng bắt đền ai được nữa.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc, thay đổi vị trí bên thi công có báo cáo chủ đầu tư là UBND xã Kiêu Kỵ không? Vị này khẳng định: Trước khi làm bên tôi có ký tá với sư thầy đàng hoàng, tôi chỉ nghĩ sư thầy là chủ công trình, sư thầy đồng ý thì chúng tôi làm.Thời điểm xê dịch, xã không có đây mà chỉ có đơn vị thi công với sư thầy, ký xong bên tôi cũng có báo cáo với xã để xã nắm được vì đây là việc lớn như thế, chúng tôi không thể tự ý dịch chuyển vị trí được.

Có thể thấy, những vi phạm trong việc xây dựng nhà Mẫu chùa Kiêu Kỵ đã rõ, đơn vị thi công cũng đã nhận trách nhiệm. Tuy nhiên dư luận đang quan tâm trách nhiệm của chủ đầu tư trước những vi phạm này như thế nào? Nếu theo phát ngôn của ông Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ - Đại diện chủ đầu tư thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công.

Tiếp tục tìm hiểu được biết, ngày 23/04/2019 Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành Quyết định số 437/QĐ-SVHTT về việc thành lập tổ tu sửa cấp thiết nhà mẫu chùa Kiêu Kỵ. Trong đó có bà Phùng Thị Hoài Hương – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm; các tổ viên gồm có: Bà Ngô Thị Hạnh - Chuyên viên phòng Nghiệp vụ cơ sở - Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội; bà Nguyễn Thị Mai Hương - Kỹ sư xây dựng Ban quản lý dự án đầu tư huyện Gia Lâm; ông Nguyễn Xuân Giang - Phó trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện Gia Lâm…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Phùng Thị Hoài Hương - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm chia sẻ: Hôm thi công nhà Mẫu chùa Kiêu Kỵ, chủ đầu tư có việc gì đó nên không ra hiện trường mà giao cho thôn, nhà chùa, đơn vị thi công động thổ. Trong quá trình này, thầy (thầy trụ trì chùa Kiêu Kỵ - PV) có trao đổi với bên thi công là dịch chuyển sang cho thầy sang bên phải, lùi lại đằng sau một chút, không báo cáo gì với cấp chính quyền. Đơn vị thi công có lập biên bản với thầy. Trong quá trình thi công, Phòng và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có đi kiểm tra công tác tu bổ và nhận thấy có vi phạm: Công trình được phê duyệt hoàn toàn bằng gỗ, nhưng kiểm tra lại toàn bằng bê tông. Thời điểm đó, xây dựng xong đến phần vì kèo, mái rồi chỉ chưa lợp ngói thôi nên chúng tôi có lập biên bản để kiểm tra lại.

Khi phóng viên đề cập đến việc, ông Chủ tịch xã Kiêu Kỵ cho biết trách nhiệm thuộc về đơn vị xã hội hóa, đơn vị thi công, quan điểm của bà như thế nào? Bà Hương khẳng định: Đây là công trình do xã làm chủ đầu tư, nên tất cả sai phạm của các đơn vị liên quan xã phải chịu trách nhiệm, không thể nói là không có trách nhiệm. Huyện cũng có văn bản là kiểm điểm trách nhiệm đối với UBND xã chứ không kiểm điểm nhà chùa, không kiểm điểm đơn vị thi công vì trách nhiệm như thế thuộc về chủ đầu tư. Xã nói như thế cũng không đúng vì trách nhiệm của mình.

Phóng viên tiếp tục đưa ra câu hỏi, vậy vai trò của đơn vị thi công, tư vấn giám sát ở đây là gì? bà Hương cho biết: Về mặt quản lý Nhà nước, huyện giao cho xã làm chủ đầu tư, nhưng trong thực tế đơn vị xã hội hóa có yêu cầu: Đơn vị thi công, đơn vị thiết kế phải là đơn vị họ giới thiệu để họ yên tâm về mặt chất lượng cũng như xây dựng các dự toán. Tuy nhiên, đơn vị xã hội hóa giới thiệu thôi chứ không thể nào nói đơn vị thi công, đơn vị giám sát là của bên họ được.

Hiện nay, UBND xã cũng kiểm điểm và làm báo cáo lên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, không quản lý chặt chẽ theo đúng chức năng thẩm quyền, chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả. Về việc này, xã đã làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan sau đó yêu cầu các đơn vị trực tiếp khắc phục hậu quả để không mất đồng kinh phí nào của Nhà nước và bây giờ lại tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo hướng là xin tu bổ cấp thiết. Hình thức chỉ là kiểm điểm trách nhiệm thôi, có sai phạm nhưng mình đã phát hiện và khắc phục.

Đối với trách nhiệm của UBND huyện Gia Lâm, bà Hương cho rằng: Huyện chưa tuyên truyền để cho cán bộ, lãnh đạo của xã nhận thức đúng và làm tròn trách nhiệm. Mình cũng thấy rằng, cần phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền về quy định của Luật Di sản, Luật Xây dựng và các Luật khác liên quan; để các ngành của huyện, UBND các xã thấy rõ quyền và trách nhiệm của mình. Đồng thời, trong quá trình thi công, huyện chưa kịp thời kiểm tra nếu mình kiểm tra sớm hơn sẽ giảm thiệt hại, quy trình xây dựng sẽ diễn ra nhanh hơn.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Gia Lâm đã được các doanh nghiệp đầu tư bất động sản hỗ trợ một lượng tiền tương đối lớn để tu bổ các đền, chùa, miếu mạo và khu di tích văn hóa, như khu di tích Đình – Đền – Chùa xã Kiêu Kỵ. Đơn vị xã hội hóa không chỉ đầu tư tu bổ chùa Kiêu Kỵ mà còn tu bổ Đình, đặc biệt là Đền thờ ngài Nguyễn Chế Nghĩa nằm trong cụm di tích này. Tuy nhiên, đã hai, ba năm trôi qua, nhà Mẫu xây lên rồi lại phá và đến bây giờ vẫn chưa triển khai tu bổ Đình làng, đặc biệt ngôi Đền thờ ngài Nguyễn Chế Nghĩa đã sắp sụp đổ. Ngoài ra, ở một số đền chùa các xã khác trong huyện Gia Lâm được nhà đầu tư cấp vốn để tu bổ, sửa chữa cũng trong tình trạng như vậy.

Chúng tôi cho rằng, UBND huyện Gia Lâm cần phải xem xét có nên “ôm” số kinh phí của các nhà tài trợ để đứng ra làm công tác đầu tư xây dựng hay không? Trong khi lượng kinh phí đầu tư được tài trợ là tương đối lớn, chủ đầu tư “UBND xã” rất yếu về chuyên môn và không hiểu biết về pháp luật (như cách trả lời của ông Đinh Văn Giảng - Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ). Theo chúng tôi, nên giao lại kinh phí cho các nhà đầu tư để họ tự đầu tư tu bổ theo thiết kế được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, việc đầu tư tu bổ các công trình di tích sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, tránh tình trạng thất thoát lãng phí như việc đầu tư xây dựng nhà Mẫu chùa Kiêu Kỵ.

Thanh Thanh – Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load