(Xây dựng) - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Cáo trạng truy tố 8 bị can liên quan đến sai phạm nghiêm trọng trong công tác đền bù tại dự án thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông. Các bị can bao gồm nhiều cán bộ và nhân viên có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, lừa đảo, tham ô tài sản, sử dụng trái phép tài sản.
Dự án thủy lợi Ia Mơr có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2005, khởi công 2007, hoàn thành 2017. |
Các bị can bị truy tố gồm: Hà Ngọc Thẩn (SN 1962, nguyên Trưởng Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông) vi phạm hai tội danh: Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và tội sử dụng trái phép tài sản; Nguyễn Thị Luyên (SN 1984, kế toán của Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông) vi phạm hai tội danh: Tham ô tài sản và tội sử dụng trái phép tài sản; Rơ Lan Chim (SN 1979, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Mơ): Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1986, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông): Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Tiến Tạo (SN 1981, nguyên Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông): Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;
Bùi Đình Hiếu (SN 1986, công chức Địa chính xã Ia Mơ): Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Quách Văn Lực (SN 1987, nhân viên Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông): Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Trịnh Minh Hòa (SN 1983, trú tại xã Ia Mơ): Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Cáo trạng, năm 2016, UBND huyện Chư Prông được UBND tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện. Hà Ngọc Thẩn, với cương vị Trưởng Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông, đã giao nhiệm vụ cho Quách Văn Lực lập hồ sơ bồi thường và kiểm tra thực tế diện tích đất cùng tài sản trên đất. Tuy nhiên, Quách Văn Lực và Hà Ngọc Thẩn đã phối hợp làm sai lệch hồ sơ để 10 hộ dân không đủ điều kiện nhận bồi thường, nhưng vẫn được bồi thường.
Quách Văn Lực và Bùi Đình Hiếu đã cùng nhau lùi thời điểm sử dụng đất của 10 hộ dân về trước năm 2008, ghi thêm nguồn gốc đất là nhận chuyển nhượng. Quách Văn Lực còn lập thêm hồ sơ để ông Rơ Mah Nheng (trú xã Ia Mơ) cũng được nhận bồi thường không đúng quy định.
Sau khi hồ sơ được lập và ký ở xã Ia Mơ, và tiếp tục được chuyển lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông để thẩm định. Tuy nhiên, Nguyễn Tiến Tạo và Nguyễn Ngọc Ánh đã kiểm tra sơ sài và không phát hiện gian lận. Nguyễn Tiến Tạo đã ký đồng ý với phương án đền bù, dẫn đến việc hỗ trợ trái quy định cho 11 hộ dân với số tiền hơn 910 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2018, Hà Ngọc Thẩn đã chỉ đạo Nguyễn Thị Luyên sử dụng tiền đền bù của ba công trình lớn để gửi trái phép vào 29 sổ tiết kiệm cá nhân dưới tên Nguyễn Thị Luyên tại các ngân hàng với tổng số tiền hơn 41,7 tỷ đồng. Lãi suất phát sinh hơn 200 triệu đồng đã được Hà Ngọc Thẩn chỉ đạo Nguyễn Thị Luyên sử dụng cho các hoạt động của cơ quan nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Nguyễn Thị Luyên cũng tham ô hơn 160 triệu đồng trong quá trình chi trả tiền cho các hộ dân bị giải phóng mặt bằng.
Trịnh Minh Hòa, vào năm 2017 đã dùng thủ đoạn gian dối để lập giả giấy đổi đất giữa ông Kpă Geng và ông Rơ Mah Nheng, nhằm hợp thức hóa việc nhận tiền bồi thường hơn 648 triệu đồng cho thửa đất số 12, rồi chiếm đoạt số tiền này.
Vụ án đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý theo quy định.
Bá Tứ
Theo