Thứ sáu 04/04/2025 08:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): Kết thúc nhiệm vụ thanh tra của Bộ, ngành

23:02 | 02/04/2025

(Xây dựng) – Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất việc xin ý kiến đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đối với các Ban, Bộ, ngành để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 9.

Thu gọn và khu biệt lại các điều, khoản

Theo tìm hiểu, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã khu biệt và thu gọn lại các điều, khoản. Cụ thể, tại Điều 6 “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra” tại dự thảo đã trình bày rõ ràng hơn, khu biệt hơn từng khoản so với Luật Thanh tra 2023, nhưng vẫn giữ nguyên 9 khoản.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): Kết thúc nhiệm vụ thanh tra của Bộ, ngành
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sửa quy định tại một số luật chuyên ngành về chức năng của Thanh tra Bộ.

Tại khoản 2 Điều 8: “Thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt” và một phần khoản 3 Điều 8 Luật Thanh tra 2023: “Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật”, đã được điều chỉnh rõ ràng và khu biệt hơn thành khoản 1 Điều 6 ở dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): “Cố ý không quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt”.

Khoản 1 Điều 8 Luật Thanh tra 2023 được chuyển thành khoản 2 Điều 6 tại dự thảo: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra”.

Tuy nhiên, tại Điều 3 dự thảo Luật được quy định rõ ràng, chi tiết hơn, bổ sung thêm cụm từ “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” và chi tiết hơn “không xử lý, kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; không xử lý hoặc kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, lãng phí được phát hiện qua thanh tra”. Cụ thể, Điều 3 quy định các hành vi bị cấm: “Bao che, bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cố ý kết luận sai sự thật, không có căn cứ pháp luật; quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra; không xử lý, kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; không xử lý hoặc kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, lãng phí được phát hiện qua thanh tra”.

Điều 4 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được giữa nguyên như Điều 5 của Luật Thanh tra 2023: “Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai”.

Khoản 5 Điều 6 tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được quy định cụ thể và bổ sung chi tiết, đầy đủ hơn so với khoản 4 Điều 8 của Luật Thanh tra 2023: “Nhận hối lộ, môi giới hối lộ, đưa hối lộ trong hoạt động thanh tra; lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra”. Trong khi đó, khoản 4 Điều 8 của Luật Thanh tra 2023 ngắn, gọn: “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra”.

Các khoản khác, từ khoản 6 đến 9 của Điều 6 “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra” trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được giữ nguyên như Luật Thanh tra 2023: “6. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra. 7. Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra. 8. Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thẩm định, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra. 9. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật”.

Kết thúc nhiệm vụ của thanh tra Bộ, ngành

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt, Thanh tra Chính phủ đang khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thanh tra Chính phủ đã trình dự thảo Luật lên Chính phủ vào ngày 28/3 vừa qua để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 9. Trong Luật này, có sửa quy định tại một số luật chuyên ngành về chức năng của Thanh tra Bộ.

Về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra được bổ sung, lược bỏ, chi tiết hơn ở Điều 7 tại dự thảo: “Thanh tra Chính phủ. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh). Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu. Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là Thanh tra theo Điều ước Quốc tế), gồm: Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Dự thảo Luật lược bỏ thanh tra cấp huyện, cơ quan thanh tra theo ngành cụ thể: “Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện)”. Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm: Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ); Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra Tổng cục, Cục); Thanh tra Sở. Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Ngoài ra, tại Điều 37 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng nêu rõ việc công khai kết luận thanh tra. Trong đó, chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra.

Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của luật. Hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm: Tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo; Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp; Thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng tại nơi tiến hành thanh tra; Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

Bên cạnh hoàn tất việc xin ý kiến đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đối với các Ban, Bộ, ngành để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 9. Thanh tra Chính phủ cũng đã hoàn tất việc xin ý kiến đối với dự thảo quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra.

Nguyên Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load