(Xây dựng) - Phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững. Đó là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương tại Diễn đàn phát triển Du lịch Xanh Việt Nam năm 2023.
Diễn đàn phát triển Du lịch Xanh Việt Nam năm 2023 diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Du lịch Xanh Việt Nam năm 2023, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, du lịch Việt Nam đang có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề để tiếp nối thành công của giai đoạn trước. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế được nâng cao, sản phẩm du lịch ngày càng trở nên hấp dẫn, có sức cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của du khách; công tác xúc tiến, quảng bá ngày càng được cải thiện cả về chất lượng và hiệu quả; hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn và nhận được sự yêu mến của bạn bè, du khách quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, du lịch hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như những vẫn để như quá tải cục bộ, tính mùa vụ, những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Thời gian qua, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm cả trong và ngoài nước liên quan đến việc sử dụng lãng phí tài nguyên, việc ô nhiễm môi trường, cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa trong phát triển du lịch. Do đó, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung trong phát triển du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu chí “xanh” đã ngày càng được thị trường coi trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch.
Tại Việt Nam hiện nay, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ trong những năm gần đây đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đề các chính sách, các định hướng phát triển du lịch được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể các nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng mong muốn các sáng kiến đóng góp của chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ đưa ra nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, khả thi để góp phần xây dựng một ngành du lịch xanh mạnh mẽ và bền vững, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh. Chủ đề du lịch xanh cũng được lựa chọn trong các sự kiện du lịch có quy mô quốc gia như: Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Năm Du lịch quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức với chủ đề: “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe đã tiếp tục khẳng định nỗ lực cũng như quan điểm nhất quán của Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), để du lịch Việt Nam phát triển theo hướng tăng trưởng xanh cần phải tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, dựa trên tính nguyên sơ, nguyên bản của các giá trị cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa dân tộc. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, sinh thái nông nghiệp nông thôn, khám phá - trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe; phát triển du lịch theo hướng chất lượng gắn với trách nhiệm xã hội, đặc biệt ở những vùng khó khăn.
Tại diễn đàn các đại biểu thảo luận về các vấn đề chung của du lịch xanh, trong đó nêu những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm phát triển du lịch xanh ở một số nước và Việt Nam; xu hướng thế giới và tiềm năng phát triển ở Việt Nam; kiến nghị các vấn đề liên quan đến rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích và tạo đột phá phát triển du lịch cả nội địa và quốc tế; giới thiệu một số mô hình và sản phẩm, dịch vụ liên kết du lịch thông minh; các vấn đề bất cập khác và giải pháp...
Hoàng Trang
Theo