(Xây dựng) - Sau gần 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã hồi phục mạnh mẽ. Tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Vĩnh Long trong năm 2022 ước đạt 1 triệu lượt khách, đạt 166% chỉ tiêu năm 2022 – 600.000 lượt khách, tăng 150 % so với cùng kỳ 2021. Doanh thu ước đạt 480 tỷ đồng, đạt 160% so với chỉ tiêu 2022 – 300 tỷ, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2021.
Du khách thích thú khi tham quan vườn chôm chôm cù lao An Bình. |
Đầu năm mới, đến Vĩnh Long, ông Nguyễn Trọng Tín - Trưởng phòng Phòng Quản lý Du lịch-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phấn khởi cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Vĩnh Long tìm mọi cách nỗ lực triển khai kế hoạch mở cửa du lịch, đẩy mạnh phục hồi hoạt động ngành Du lịch trong điều kiện bình thường mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Tình hình lượng khách đến Vĩnh Long trong năm 2022 tăng trưởng qua từng tháng và trên đà phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhìn chung tâm lý người dân dần quen với việc sống chung với dịch thích ứng tốt với bối cảnh bình thường mới, đồng thời việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4 đang được triển khai cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong năm 2022 tỉnh Vĩnh Long diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động, ngày lễ lớn nên thu hút du khách. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền du lịch Vĩnh Long an toàn, thân thiện và hấp dẫn đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thu hút du khách quay lại với du lịch của địa phương”.
Du khách trải nghiệm mương bắt cá Khu du lịch Vinh Sang. |
Ngay trong những ngày cuối năm 2021, khi mọi nơi đang thực hiện cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 3194/QĐ-UBND về Kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch Vĩnh Long trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022. UBND tỉnh Vĩnh Long xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành Du lịch; Tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng. Phấn đấu trong năm 2022, lượng khách và doanh thu dần phục hồi, trong đó tổng lượng khách đến với du lịch Vĩnh Long tăng 50% so với năm 2021. Phấn đấu huy động được nhiều nguồn lực tham gia trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động ngành Du lịch.
Nhờ đó, du lịch Vĩnh Long vốn là điểm đến hấp dẫn miệt vườn sông nước Cửu Long đã thu hút du khách quay trở lại. Kết quả, tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Vĩnh Long trong năm 2022 ước đạt 1 triệu lượt khách, đạt 166% chỉ tiêu năm 2022 – 600.000 lượt khách, tăng 150 % so với cùng kỳ 2021, trong đó, khách quốc tế khoảng 5.500 lượt, tăng 184 % so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa khoảng 994.500 lượt, tăng 147 % so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu ước đạt 480 tỷ đồng, đạt 160% so với chỉ tiêu 2022 – 300 tỷ, tăng 155 % so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy đã hồi phục mạnh mẽ nhưng theo ngành Du lịch Vĩnh Long thì du lịch Vĩnh Long hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng mà còn rất nhiều dư địa để phát triển. Ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Với lợi thế tiềm năng du lịch homestay, du lịch sinh thái sông nước, du lịch làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa, Vĩnh Long đang dần khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh, bề dày của sự phát triển đó, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đạt được một số thành quả nhất định trong thời gian qua. Tuy nhiên, Vĩnh Long chưa khai thác tốt tiềm năng, tài nguyên du lịch; đồng thời du lịch Vĩnh Long vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cũng như những khó khăn nhất định làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới”.
Thưởng thức ẩm thực. |
Để đánh thức khai thác tiềm năng lợi thế, ngành Du lịch Vĩnh Long đang nỗ lực tích cực xây dựng sản phẩm đặc trưng để mời gọi du khách trong và ngoài nước đến Vĩnh Long. Du lịch Vĩnh Long đang hướng đến mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó ngành Du lịch Vĩnh Long nỗ lực tập trung: Xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án của UBND tỉnh phê duyệt (Du lịch homestay, Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Làng nghề, Du lịch Văn hóa). Trong đó, có 02 sản phẩm trọng điểm tập trung xây dựng là sản phẩm du lịch: “Vương quốc lò gạch” ở huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời phát huy di tích Khu mộ thân nhân danh thần thoại Ngọc Hầu. Nghiên cứu xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng cù lao trên địa bàn tỉnh (cù lao An Bình, cù lao Mây, cù lao Dài); bổ sung các sản phẩm gắn liền với các dịch vụ giúp tăng nguồn thu từ du lịch như mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật như sản phẩm “Về Vĩnh Long xem Hát Bội”, nghệ thuật đờn ca tài tử...
Quy hoạch lại cụm tuyến du lịch trong Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch, như: Tuyến nội tỉnh, nổi bật tuyến du lịch sông Tiền “Vĩnh Long – Long Hồ - Mang Thít - Vũng Liêm” với các điểm đến như: Cù lao An Bình, Di sản đương đại Mang Thít, cù lao Dài, Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hồ Vũng Linh, chùa Hạnh Phúc Tăng. Đồng thời, kết nối với nguồn khách xuất phát từ hướng thành phố Cần Thơ đối với tuyến du lịch sông Hậu theo hướng kết hợp du lịch sinh thái với tham quan các di tích, di sản văn hoá phi vật thể với các điểm đến như Mỹ Hòa/cù lao Mây, Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, chùa Phước Hậu, Tàu hũ ky Mỹ Hòa/Bánh tráng cù lao Mây/Bánh tráng giấy Tường Lộc. Du lịch đường bộ của tuyến này với điểm đón trục chính thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến liên tỉnh liên kết từ gần đến xa, độ dài hành trình từ 3 - 5 ngày qua các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Du thuyền trên dòng sông Cổ Chiên. |
Đến dự và phát biểu với Hội nghị Xúc tiến đầu tư về Du lịch và Thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long vào ngày 16/11/2022, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đã biểu dương những nỗ lực vượt khó của ngành Du lịch Vĩnh Long, đồng thời, nêu ra những định hướng cho ngành Du lịch Vĩnh Long: “Tổng cục Du lịch đánh giá cao tinh thần chủ động triển khai, sự tích cực của Vĩnh Long khi nghiên cứu, xây dựng các dự án thu hút đầu tư du lịch và thương mại của tỉnh và mở đầu là Hội nghị xúc tiến ngày hôm nay với sự tham gia của Thành phố Hồ Chí Minh - một trọng điểm kinh tế, du lịch lớn. Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng cách gần, giao thông thuận tiện và là trung tâm phân phối khách, đầu tàu dẫn dắt phục hồi du lịch cũng như phát triển kinh tế của cả nước. Việc liên kết, hợp tác xúc tiến đầu tư du lịch thương mại giữa Vĩnh Long - Thành phố Hồ Chí Minh được Tổng cục Du lịch đánh giá là phù hợp trong thời điểm hiện nay, mang tính khả thi và có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Thành phố Hồ Chí Minh, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch đóng góp các sáng kiến, ý tưởng để giúp Vĩnh Long khai thác các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa-xã hội nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt nhằm tạo sức hút và ấn tượng của Vĩnh Long đối với du khách”.
Cô chủ nhỏ bên vườn cây ăn trái. |
Kỳ vọng, tương lai gần, du lịch Vĩnh Long sẽ được đầu tư và khai thác xứng tầm là điểm đến 2 dòng sông và từng một thời vang bóng du lịch sông nước miệt vườn miền Tây. Du lịch Vĩnh Long kết nối du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở ra triển vọng mới cho ngành Du lịch Vĩnh Long phát triển bứt phá vươn lên.
Huỳnh Biển
Theo