(Xây dựng) - Để triển khai dự án nhà máy thuộc khu kinh tế, cần phải lập đầy đủ các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng khu chức năng.
Ảnh minh họa. |
Ông Đỗ Tấn Huy (Trà Vinh) đang đầu tư một dự án xây dựng nhà máy với diện tích 4ha tại khu kinh tế (khu vực nằm ngoài đô thị). Dự án của ông thuộc trường hợp phải lập quy hoạch chi tiết rút gọn theo Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP. Khoản này có 3 điều kiện thì dự án của ông Huy đáp ứng 2 điều kiện (không đáp ứng điều kiện tại Điểm c do khu vực dự án của ông chưa có quy hoạch phân khu xây dựng được duyệt).
Ông Huy hỏi, trường hợp dự án không đáp ứng đủ 3 điều kiện tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 35/2023NĐ-CP thì được miễn lập quy hoạch chi tiết rút gọn có đúng không?
Hiện nay, ở địa phương có 2 cách hiểu: Cách hiểu thứ nhất: Diện tích dự án của ông Huy thuộc trường hợp lập quy hoạch chi tiết rút gọn nhưng lại không đáp ứng 3 điều kiện tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 35/2023NĐ-CP nên được miễn lập quy hoạch chi tiết rút gọn
Cách hiểu này rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư triển khai dự án nhưng về công tác quản lý quy hoạch thì không có cơ sở quản lý vì khu vực trên chỉ có quy hoạch chung xây dựng (không có quy định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao, số tầng...).
Cách hiểu thứ hai: Diện tích dự án của ông Huy thuộc trường hợp lập quy hoạch chi tiết rút gọn nhưng lại không đáp ứng Điểm c Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 35/2023NĐ-CP là khu vực chưa triển khai quy hoạch phân khu xây dựng nên phải chờ triển khai quy hoạch phân khu xây dựng được duyệt mới triển khai dự án và lập quy hoạch chi tiết rút gọn.
Cách hiểu này bảo đảm cho công tác quản lý quy hoạch nhưng kéo dài thời gian để nhà đầu tư được triển khai dự án (việc triển khai lập quy hoạch phân khu ít nhất 1,5-2 năm).
Ông Huy hỏi, dự án của ông được hiểu theo cách nào là đúng? Dự án có được miễn lập quy hoạch chi tiết rút gọn không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi bổ sung một số điều tại Luật số 62/2020/QH14 (Luật Xây dựng hợp nhất), việc thực hiện chương trình, hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan phải tuân thủ quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và phù hợp với nguồn lực huy động; cấp độ quy hoạch xây dựng phải bảo đảm thống nhất và phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn.
Tại Điểm d Khoản 2 Điều 26, Điểm d Khoản 2 Điều 27 và Điểm d Khoản 2 Điều 28 Luật Xây dựng hợp nhất, đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch phân khu xây dựng; đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong khu chức năng và lập quy hoạch chi tiết xây dựng; đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng.
Theo các quy định nêu trên, đối với trường hợp ông Huy nêu, để triển khai dự án nhà máy thuộc khu kinh tế, cần phải lập đầy đủ các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng khu chức năng.
Đối với lô đất nhỏ theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, cần lập quy hoạch chi tiết theo trình tự rút gọn để bảo đảm đủ các cơ sở triển khai thực hiện dự án.
Pháp luật hiện hành về quy hoạch xây dựng không có quy định miễn lập quy hoạch chi tiết rút gọn.
Tuệ Minh (Ảnh: Quang Hợp)
Theo