(Xây dựng) – Dự án cải tạo kênh A41 (phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) phục vụ cho thoát nước sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên, việc quy hoạch đang vấp phải sự phản đối của người dân trong khu vực vì chính quyền “né” đất của doanh nghiệp và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Người dân bức xúc vì tim kênh “né” công trình của tổ chức. |
Dự án cải tạo kênh A41 (phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những trục thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt vào năm 2016.
Dự án do UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư với chiều dài toàn tuyến kênh trên 837m, bắt đầu từ 2 nhánh kênh ở 2 cống thoát nước của sân bay, chảy từ đường Phan Thúc Duyện cắt ngang đường Đồ Sơn, đường Ba Vì, sau đó hợp dòng tại đường Giải Phóng dẫn ra đường Cộng Hòa, rồi đổ vào hệ thống cống ngầm đường Út Tịch thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Đây là dự án đúng đắn của Nhà nước nhằm cải tạo kênh và góp phần chỉnh trang đô thị, nên người dân khá đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, khi chính quyền tiến hành đo vẽ dự án, họp dân để công bố quyết định thu hồi đất, bồi thường giải tỏa thì gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Đặc biệt, một số hộ dân còn ký đơn tập thể gửi cơ quan chức năng và chính quyền các cấp phản đối chủ đầu tư về việc nắn chỉnh lệnh làm tim kênh và thiết kế vỉa hè quá rộng trong đường đô thị của khu dân cư.
Từ chuyện chui cống hộp đo tim kênh
Bà Lê Thị Sửa chủ căn nhà 124/1 Cộng Hòa bức xúc: Từ ngày triển khai dự án kênh A41, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi tới UBND quận Tân Bình và được mời lên làm việc. Qua nhiều buổi tiếp xúc đối thoại với UBND quận Tân Bình, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Cơ quan chức năng quận Bình Tân lại một mực khẳng định, tim kênh hiện hữu nằm trong nhà số 124/1 Cộng Hòa. Để làm rõ thực hư điều này, ngày 20/6/2022 ông Trương Tấn Sơn – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cùng các đơn vị liên quan đã đến xác định tim kênh. Ghi nhận tại thực địa, tim kênh nằm cách xa nhà 124/1 và chỉ cách tòa nhà 7 tầng của Xí nghiệp in Tài chính hơn 2m.
Ghi nhận thực tế là vậy, thế nhưng kết thúc buổi làm việc lại không hề có biên bản được lập theo đề nghị của người dân. “Tôi không hiểu vì lý do gì khiến họ đo vẽ lệch tim kênh về phía nhà chúng tôi, khiến phần nhà ở bị ảnh hưởng rất lớn, trong khi đối diện phía bên kia kênh là các doanh nghiệp với công trình kiên cố thì ảnh hưởng rất ít. Chúng tôi sẽ ủng hộ nếu như việc đo vẽ, thiết kế thực hiện công bằng chứ không thể “né” công trình doanh nghiệp rồi chỉnh lấn sang nhà dân, khi mà chúng tôi đã sinh sống ổn định 30 năm nay”, điều này đã khiến bà Sửa một lần nữa bức xúc phản ánh.
Ngày 21/6/2022, cơ quan chức năng đã tiến hành đào cống hộp tại vị trí 132 Cộng Hòa. Khi đào cống hộp lên, bà Sửa cùng cơ quan chức năng đã chui vào cống hộp và xác minh là cống hộp nằm ngoài nhà 124/1 Cộng Hòa và 130 Cộng Hòa. Rất may, biên bản sự việc đã được Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Tân Bình (Ban Quản lý dự án) – Chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND phường 4 và đại diện hộ dân ký xác nhận.
Nói về nguồn gốc của căn nhà 124/1, bà Sửa cho biết: Năm 1992, Bộ tổng Tham mưu – Bộ Quốc phòng có công văn gửi Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh về mặt bằng phân chia đất có ghi rõ lòng kênh là 8m, hành lang kênh là 3m. Giấy phép xây dựng được cấp cho căn nhà 124/1 Cộng Hòa cũng ghi hành lang kênh 7,3m và tim kênh 3,7m (Tính từ mép hành lang kênh ra đến tim kênh).
“Vậy căn nhà 124/1 Cộng Hòa đã chịu quy hoạch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992 với hành lang kênh 7m. Vậy căn cứ vào đâu để Ban Quản lý dự án lại vẽ cong tim kênh và hành lang kênh cắt sâu vào nhà 124/1 Cộng Hòa, chỗ sâu nhất là 9,38m và 5,15m. Căn cứ vào đâu, quy định nào mà Ban Quản lý dự án vẽ tim kênh lệch vào nhà tôi như vậy là có đúng pháp luật không? Có đảm bảo công bằng xã hội không ?”, bà Sửa nêu căn cứ.
Cơ quan chức năng quận Tân Bình đo thực tế cống hộp tại số 132 Cộng Hòa. |
Theo biên bản kiểm tra hiện trường của Khu quản lý giao thông đô thị số 1 – Sở giao thông vận tải lập ngày 15/9/2008 cũng xác định hành lang cống hộp tại số 132 Cộng Hòa là: Khoảng cách từ ranh cống hộp (tính từ mép ngoài cống) đến tường tòa nhà Công ty in Tài chính (phần xây dựng kiên cố) thay đổi từ 1,6m - 2m trong phạm vi chiều dài tường 19m. Khoảng cách từ ranh cống hộp đến tường nhà dân thay đổi từ 0,1m - 1,95m.
Như vậy, theo biên bản kiểm tra hiện trường này thì có thể khẳng định cống hộp hiện hữu không hề nằm trong nhà dân.
Tuy nhiên người dân cũng thắc rằng, năm 2004 Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Công ty in Tài chính về việc cải tạo mương thoát nước số 132 Cộng Hòa cũng ghi rõ là mương thoát nước này rộng 2,5m – 5,5m, dài 500m. Cống hộp rộng 2,5m x 2,5m, đoạn đầu đường dài 32m – 35m có vị trí sát ranh đất của Công ty in Tài chính. Thế nhưng thực tế khi Công ty in tài chính được phép lắp đặt cống hộp lại chỉ làm có 1,6m x 1,6m.
Tương tự như vậy, việc vẽ tim kênh lệnh cũng được bà Phạm Thị Tuyết Nhung chủ căn nhà số 22 Ba Vì bức xúc khiếu nại. Điều này cũng được UBND quận Tân Bình thừa nhận bằng văn bản khi trả lời bà Nhung và cho biết sẽ xem xét lại khiếu nại.
Đáng chú ý, nhiều hộ dân khẳng định bản vẽ thiết kế mặt bằng kênh A41 được nắn chỉnh để “né” phần bên kia của tuyến kênh chủ yếu là đất hoặc công trình của doanh nghiệp, vì tim kênh bị chỉnh lệch về phía nhà dân. Điển hình như các căn nhà bị ảnh bởi việc “né” này là số 2 Đồ Sơn, 22 Đồ Sơn, 124/1 Cộng Hòa, 130 Cộng Hòa… nên phần đất và nhà kiên cố bị giải tỏa là rất lớn.
Đến chuyện vỉa hè quá rộng
Theo ông Bùi Quang Phan, trú tại 2/19 Đồ Sơn bức xúc cho biết lý do khiếu nại là: Thời điểm triển khai, dân chỉ thấy giá đền bù thấp nhưng sau lại phát hiện bất thường nên khiếu nại. Ông Phan cho rằng, ngoài giá đền bù thấp thì việc nắn chỉnh tim kênh để “né” các tổ chức như công trình 7 tầng của Xí nghiệp in Tài chính; công trình sử dụng vốn đầu tư cho kênh sai mục đích vì nhiều hẻm không liên quan tới kênh nhưng vẫn dùng vốn của kênh; vi phạm tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về đường đô thị…
“Theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104:2007, tuyến kênh A41 là đường phố nội bộ vì đường trên kênh liên kết giao thông trong khu vực phường, khu dân cư, thuộc hè đường loại III (1 hoặc 2m mỗi bên). Trong khi chủ đầu tư lại căn cứ, viện dẫn các quy định của Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lên 4m là không phù hợp, sai Tiêu chuẩn. Việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng, phá vỡ kết cấu, kiến trúc nhiều công trình nhà dân dọc theo tuyến kênh, làm ảnh hưởng tới đời sống ổn định của người dân, gây thất thoát, lãng phí. Chủ đầu tư chỉ cần làm vỉa hè 2m thì sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhà dân và nhận được sự đồng thuận cao hơn của người dân sinh sống dọc theo tuyến kênh”, ông Phan bức xúc cho biết.
Ngoài ra, người dân còn phản ánh, trong rất nhiều lần đối thoại hay lãnh đạo quận làm việc với người dân nhưng không hề được lập biên bản ghi nhận sự việc. Rồi việc xác định vị trí đất, giá đến bù giải tỏa không thỏa đáng và cơ quan chức năng yêu cầu người dân ký khống vào giấy không có nội dung.
Người dân bức xúc chỉ cho phóng viên về bản đồ quy hoạch năm 1992 (của Bộ tổng Tham mưu – Bộ Quốc phòng) với bản đồ cải tạo kênh A41 hiện hữu. |
Để làm rõ sự việc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên lạc bằng điện thoại với Chủ tịch UBND quận Tân Bình. Chủ tịch quận cho biết là việc này đã giao cho ông Trương Tấn Sơn – Phó Chủ tịch quận, đề nghị phóng viên làm việc với Phó Chủ tịch.
Liên hệ với ông Sơn thì ông Sơn đề nghị phóng viên có văn bản để UBND quận Tân Bình phúc đáp đúng quy định. Báo điện tử Xây dựng đã gửi công văn theo đề nghị của ông Sơn. Sau đó, rất nhiều lần chúng tôi liên hệ lại, lúc thì ông Sơn cho biết là chưa nhận được công văn của Báo, lúc thì ông bị bệnh, sau này thì cơ quan tham mưu chưa trình nội dung trả lời… Đến nay đã hơn 1 tháng kể từ ngày Báo điện tử Xây dựng gửi công văn tới UBND quận Tân Bình để tìm hiểu sự việc về kênh A41 nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ UBND quận Tân Bình?
Nhóm phóng viên
Theo