(Xây dựng) - Tiếng chíp chíp liên tục phát ra từ những chiếc loa đặc chủng được gắn trên những căn nhà xây cất kiên cố để nuôi yến, sừng sững giữa khu dân cư mà người dân ở thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) gọi là “lô cốt yến”. Người dân sống xung quanh như bị “tra tấn” mỗi ngày, bởi âm thanh này cứ lặp đi lặp lại gây khó chịu cho cuộc sống thường ngày của họ.
Một “lô cốt yến” ở xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài. |
Anh T - một giáo viên bức xúc: “Gia đình tôi nhiều lần phải sơ tán do nhà có con nhỏ, cháu lớn không học được bài còn cháu nhỏ thì khóc suốt đêm, bản thân tôi nhiều khi cần yên tĩnh để chấm điểm, soạn bài nhưng cũng không được, chúng tôi không dám lên tiếng vì sợ mất lòng hàng xóm”.
Bà B ở xã Tân Thành chia sẻ: “Tôi bị bệnh mất ngủ mới đi điều trị về, ở bệnh viện còn có chút yên tĩnh chứ về nhà bệnh nặng thêm vì mất ngủ do tiếng kêu dụ chim yến”. Tuổi cao, mang trọng bệnh bà B mong được an hưởng tuổi già cùng con cháu, thế nhưng cuộc sống sinh hoạt của bà và cả gia đình đều bị ảnh hưởng bởi những ồn từ “lô cốt yến” của nhà hàng xóm mà không dám lên tiếng bởi “tình nghĩa láng giềng”.
Một bác sỹ làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước than phiền: “Áp lực công việc ở bệnh viện đã rất mệt mỏi, về nhà tôi cảm thấy mệt mỏi hơn bởi tiếng “loa” chim yến. Tôi thực sự lo ngại mình bị stress, không lẽ phải bán nhà để chuyển đi nơi khác”.
Nhà yến trong phố liệu có phá vỡ quy hoạch đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường? |
Không chỉ những trường hợp nêu trên mà nhiều hộ dân ở đây đều rất khó chịu, trước tiếng ồn dẫn dụ chim yến được phát ra từ những lô cốt kiên cố này. Không chỉ bị làm phiền bởi tiếng ồn mà phân chim yến cũng bám đầy trên nóc nhà của những người dân xung quanh, gây mùi hôi khó chịu. Nguy hiểm hơn, người dân có thói quen hứng nước mưa để sử dụng, sinh hoạt, nguy cơ bệnh dịch là không thể tránh khỏi.
Luật sư Phạm Quốc Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Điểm d Khoản 2 Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 quy định: “Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5h đến 11h30 và từ 13h30 đến 19h mỗi ngày, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này”.
Điểm đ Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP đã quy định: “Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh”.
Dọc Quốc lộ 14 hướng về Chơn Thành, rất nhiều “lô cốt yến” được xây cất kiên cố. |
Sự ồn ào bởi tiếng loa dẫn dụ chim yến ở thành phố Đồng Xoài có vượt mức cho phép theo quy định hay không cũng cần có đánh giá chính xác của đơn vị chức năng. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với cơ quan chức năng, ông Đặng Hà Bình – Phó Phòng Quản lý đô thị thành phố Đồng Xoài cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản tham mưu cho lãnh đạo thành phố về quy hoạch việc nuôi (dụ) chim yến trên địa bàn. Việc xử lý tình trạng nuôi chim yến trong khu dân cư như báo chí đặt vấn đề sẽ do Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài ban hành quy định trong thời gian sớm nhất”.
Rõ ràng những ngôi nhà nuôi yến độc lập hoặc có gia đình ở chung với yến tại khu dân cư đã ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của dân cư nơi đây. Đặc biệt với việc phát loa dẫn dụ yến được lặp đi lặp lại hằng ngày đã gây khó chịu cho người nghe, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người dân sinh sinh sống xung quanh. Tỉnh Bình Phước cần có động thái kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn và ban hành quy chế cụ thể về việc nuôi yến trong khu dân cư, không để phá vỡ quy hoạch đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân.
Yphong
Theo