Thứ sáu 08/11/2024 18:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai

14:49 | 08/06/2022

(Xây dựng) – Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đây là hình thức phổ biến đang được các chủ đầu tư dự án kinh doanh. Để hiểu rõ điều kiện sử dụng cần nắm bắt kỹ các nội dung sau.

dieu kien mua ban nha o hinh thanh trong tuong lai
Ảnh minh họa (nguồn: TL).

Điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai

Căn cứ vào Điều 59, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Điều 7, Nghị định 02/2022/NĐ-CP, việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải bảo đảm các điều kiện sau:

Có hợp đồng mua bán, thuê mua được lập theo quy định tại Điều 6, Nghị định 02/2022/NĐ-CP; trường hợp các bên đã ký hợp đồng trước ngày 1/3/2022 thì phải có hợp đồng đã ký kết.

Thuộc diện chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng).

Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải thuộc diện không có tranh chấp, khiếu kiện.

Nhà, công trình xây dựng thuộc hợp đồng mua bán, thuê mua không thuộc diện bị kê biên, thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý.

Thủ tục mua bán nhà ở hình thành trong tương lai

Bước 1: Lập hợp đồng mua bán nhà ở

Theo Khoản 1, Điều 33, Thông tư 19/2016/TT-BXD, các bên liên quan thống nhất lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà.

Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở phải bao gồm các nội dung chính như: Thông tin về bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng; Số, ngày, tháng năm của hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư; Giá chuyển nhượng hợp đồng, thời hạn và phương thức thanh toán; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Giải quyết tranh chấp; Các thỏa thuận khác.

Theo đó, hợp đồng được lập thành 7 bản (3 bản để bàn giao cho chủ đầu tư lưu, 1 bản nộp cho cơ quan thuế, 1 bản bên chuyển nhượng hợp đồng lưu, 1 bản bên nhận chuyển nhượng hợp đồng lưu, 1 bản để lưu tại cơ quan công chứng, chứng thực).

Bước 2: Công chứng hoặc chứng thực

Đối với hộ gia đình, cá nhân thì văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại phải được công chứng hoặc chứng thực. Hồ sơ đề nghị công chứng hoặc chứng thực gồm:

7 bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.

Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và phải xuất trình bản chính chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị để đối chiếu.

Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực như giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân...

Bước 3: Kê khai thuế, phí, lệ phí

Bước 4: Nộp hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận

Theo Khoản 3, Điều 33, Thông tư 19/2016/TT-BXD, sau khi thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí, bên nhận chuyển nhượng nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng. Hồ sơ gồm có:

5 bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở trong đó có 1 bản của bên chuyển nhượng.

Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Biên lai nộp thuế hoặc giấy tờ chứng minh về việc được miễn thuế theo quy định pháp luật về thuế.

Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và phải xuất trình bản chính chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị để đối chiếu.

Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load