Thứ năm 07/11/2024 21:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

21:32 | 26/12/2019

(Xây dựng) – Sáng 26/12 tại Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội nghị thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chủ trì Hội nghị.

dieu chinh quy hoach cap nuoc thu do ha noi den nam 2030 tam nhin den nam 2050
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh: Cần sử dụng công nghệ kiểm soát toàn bộ hệ thống cấp thoát nước toàn thành phố, an ninh an toàn nguồn nước.

Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của Thủ đô Hà Nội (cả khu vực đô thị và nông thôn), tổng diện tích là 3.358,59km2 có mở rộng ra vùng phụ cận Thủ đô Hà Nội.

Đồ án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cập nhật và khớp nối với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành và dự án đầu tư đã được phê duyệt.

Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố Hà Nội và đảm bảo việc khai thác sử dụng tài nguyên nước một cách ổn định, bền vững, cả hai nguồn nước là nguồn nước mặt và nước ngầm đều được sử dụng, tuy nhiên giảm dần quy mô khai thác nước ngầm. Nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống được quy hoạch làm nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước mặt quy mô công suất lớn.

Dựa vào các cơ sở phân khu vực cấp nước, Đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Hà Nội được đề xuất chia hệ thống cấp nước thành các khu vực cấp nước chính, các khu vực này có hệ thống cấp nước riêng nhưng vẫn nằm chung trong tổng thể hệ thống cấp nước Thủ đô Hà Nội. Mạng lưới cấp nước các khu vực được nối thông với nhau để hỗ trợ cấp nước trong những trường hợp cần thiết.

Đa dạng các phương án nguồn cấp nước, kết hợp mô hình cấp nước tập trung và phân tán để cấp nước cho các khu vực đô thị, khu công nghiệp và toàn bộ khu vực nông thôn một cách linh hoạt, áp dụng chung một tiêu chuẩn cấp nước cho toàn thành phố. Kết nối hệ thống cấp nước của Hà Nội với hệ thống cấp nước của các tỉnh thành trong vùng Thủ đô như Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hưng Yên để đảm bảo cấp nước an toàn cho Thủ đô và liên kết cấp nước vùng Thủ đô.

Phát triển hệ thống công suất theo hướng tiết kiệm và quản lý nước thông minh, công nghệ xử lý nước linh hoạt đáp ứng được yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn trong tương lai cũng như sự thay đổi xấu đi của nguồn nước thô đầu vào và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giai đoạn đến năm 2030, tổng nhu cầu dùng nước toàn thành phố khoảng 2.766.000m3/ngày, dự đoán tổng công suất các nhà máy nước ngầm là 489.000m3/ngày; lưu lượng cần cung cấp từ các nhà máy nước mặt khoảng 2.277.000m3/ngày.

Định hướng đến năm 2050, khi có nguồn nước mặt tập trung thay thế các nhà máy nước Lương Yên, Yên Phụ, Ngô Sỹ Liên, Mai Dịch, Cáo Đỉnh, Nam Dư, Đông Mỹ, Dương Nội, Hà Đông, Gia Lâm sẽ tiếp tục giảm dần công suất để các nhà máy nước ngầm hoạt động ổn định với công suất 413.500m3/ngày; Tiếp tục sử dụng và nâng công suất các nhà máy nước mặt đã xây dựng đến năm 2030 để cung cấp nước cho mọi nhu cầu của thành phố. Cụ thể, giữ nguyên công suất nhà máy nước Bắc Thăng Long là 150.000m3/ngày, nhà máy nước Ba Vì là 100.000m3/ngày, nâng công suất nhà máy nước sông Đà lên 1.200.000m3/ngày…

Mạng lưới đường ống truyền tải chính và đường ống cấp 1 được điều chỉnh với mật độ bao phủ toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội và điều chỉnh theo quy hoạch phát triển các nhà máy nước đáp ứng mọi nhu cầu cấp nước cho đô thị, nông thôn và công nghiệp.

Ngoài ra, với các tuyến ống cũ, xuống cấp: Cải tạo, thay thế các tuyến ống không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật bằng các ống mới, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đồng thời có các giải pháp bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước.

Tại Hội nghị, hầu hết ý kiến của các thành viên Hội đồng đều nhất trí thông qua Đồ án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ các trạm xử lý nước ngầm dự kiến ngừng khai thác, để dự phòng có thể vận hành cấp nước trở lại trong trường hợp xảy ra sự cố hệ thống cấp nước. Bổ sung đánh giá tình trạng về nguồn nước: Trữ lượng, tiềm năng khai thác, tình hình ô nhiễm, nguy cơ mất an tooàn, bảo vệ nguồn nước…Về hiện trạng cấp nước đô thị cần trình bày theo hướng tổng quát trước khi đi cụ thể vào từng đơn vị cấp nước.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn ghi nhận những cố gắng của nhóm tư vấn, nghiên cứu thực hiện Đồ án đúng quy định, đầy đủ số liệu, tuy nhiên Đồ án vẫn còn thiếu tính khoa học, sơ đồ, bảng biểu, phân tích, đánh giá hiện trạng (nước mặt, nước ngầm)… do đó nhóm nghiên cứu cần cập nhật, tiếp thu ý kiến đóng góp, tư vấn của các thành viên Hội đồng, các Cục, Vụ, Viện, doanh nghiệp nước ngoài để hoàn chỉnh một số nội dung, cách trình bày, bản vẽ sao cho hợp lý, rõ ràng, chi tiết hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị Đồ án cần bổ sung các văn bản có tính pháp lý, các chỉ tiêu về cấp nước, nhu cầu sử dụng nước và phân bổ nhà máy. Hệ thống truyền tải cần nêu rõ hiện trạng từ truyền tải khu vực đến liên vùng, từ đó đưa ra số liệu cụ thể về làm mới, cải tạo và phải được chỉ rõ trên bản đồ (phân kỳ các giai đoạn đầu tư, nguồn vốn…). Việc quy hoạch xây dựng mới các nhà máy phải dựa trên cơ sở tính toán về công suất tiêu thụ từ các nhà máy cũ do không đáp ứng được, từ đó đưa ra phương án cải tạo các nhà máy cũ.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Việc hạn chế cấp nước ngầm phải có phân tích tính toán, số liệu, lộ trình cụ thể trên cơ sở thực tiễn, đo đạc thủy lực, thủy triều, thủy lợi, dự báo… Bổ sung các giải pháp về an ninh nguồn nước (quan trắc, xả thải, trách nhiệm của cơ quan chức năng…), xem xét điều chỉnh áp lực nước, tiến tới xóa bỏ các bể chứa nước trên mái nhà.

Ngoài ra, cần cụ thể phân khu chi tiết các dự án ưu tiên, nguồn lực, nhân lực; Sử dụng công nghệ kiểm soát toàn bộ hệ thống cấp thoát nước toàn thành phố, an ninh an toàn nguồn nước.

Tuệ Minh (Ảnh: Đình Hà)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load