Thứ sáu 08/11/2024 01:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Điều chỉnh khung giá đất: Không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản

22:21 | 22/11/2019

(Xây dựng) – Theo bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận định giá, Savills thành phố Hồ Chí Minh, những dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ thì đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính. Do đó, việc điều chỉnh khung giá đất Nhà nước cũng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

dieu chinh khung gia dat khong anh huong nhieu den chi phi dau vao cua cac du an bat dong san
Bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận định giá, Savills thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây, khi xin ý kiến đóng góp vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý về khung giá đất giai đoạn 2019 - 2024 gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất khung giá đất mới sẽ giữ nguyên mức giá tối thiểu, mức giá tối đa thì tăng khoảng 1/3 so với hiện nay.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Khánh Linh, Trưởng bộ phận Định giá, Savills thành phố Hồ Chí Minh xoay quanh tác động của việc điều chỉnh khung giá đất lên thị trường bất động sản.

PV: Thưa bà, bà có nhận định như thế nào về 2 đề xuất này? Liệu đây có phải là đề xuất hợp lý cho 2 thị trường (xét trên phương diện thời điểm và mức tăng)?

Bà Trần Thị Khánh Linh: Theo quy định, cứ sau 5 năm Nhà nước sẽ ban hành khung giá đất mới và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ. Năm 2020 chính là thời điểm phải có khung giá đất mới. Với chu kỳ 5 năm thì giá đất đã có nhiều thay đổi nên việc điều chỉnh giá đất là phù hợp tại thời điểm này.

Về mức tăng, thực tế hiện nay, giá đất giao dịch trên thị trường đã khác biệt rất lớn so với giá đất quy định trong bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành. Khác biệt này đặc biệt thể hiện rõ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để thu hẹp khác biệt này, mỗi năm UBND các thành phố đều ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính toán các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Đơn cử thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất mới nhất, trong đó hệ số điều chỉnh khu vực 1 lên đến 2,5 lần. Điều này có thể thấy khác biệt giữa quy định và thực tế lớn đến như thế nào.

Các đề xuất của UBND thành phố Hà Nội và HoREA đều có cơ sở riêng, dựa trên thực tiễn khảo sát từ thị trường, do đó đề xuất tăng là hoàn toàn hợp lý vì giá nhà đất đã thay đổi chóng mặt kể từ năm 2014 cho đến nay.

HoREA đưa ra phương án giữ nguyên mức giá tối thiểu và tăng 1/3 mức giá tối đa, trên cơ sở dựa vào hệ số điều chỉnh tối đa hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh là 2,5 lần. Theo đó giá đất ở tối đa sau điều chỉnh và tính toán hệ số là 700 triệu đồng/m2, cũng là mức giá gần với thực tế giao dịch ở những vị trí đắt đỏ nhất hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh.

PV: Khung giá đất hiện tại được cho rằng chưa phản ánh đúng giá thị trường. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản?

Bà Trần Thị Khánh Linh: Đối với người bị thu hồi đất, khung giá đất hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị trường làm cho người bị thu hồi đất bị thiệt thòi và không đồng thuận. Làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm triển khai và dự án sẽ chậm đi vào hoạt động, là một tác nhân làm thu hẹp nguồn cung

Đối với chủ đầu tư, nếu theo Luật Đất đai 2013, các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính. Do đó, việc điều chỉnh khung giá đất Nhà nước cũng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

PV: Tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2024, bà có đề xuất hoặc kiến nghị gì?

Bà Trần Thị Khánh Linh: Bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh chóng. Do đó, chúng ta có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc 1 năm để cập nhật biến động của thị trường.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần được phân quyền chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương. Hiện nay ràng buộc của Nghị định 44/2014/NĐ-CP đối với UBND các tỉnh thành phố khi ban hành giá đất (không quá 30% so với mức giá tối đa của Khung giá đất) hạn chế tính cập nhật thị trường, làm bảng giá đất luôn có khác biệt lớn so với thực tế giao dịch trên thị trường, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Giá đất bị điều chỉnh bởi cung cầu của thị trường nên luôn thay đổi từng ngày từng giờ. Do đó về dài hạn nên thay đổi việc ban hành khung giá đất cố định cho một giai đoạn dài đến 5 năm. Thực tế đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa giá đất giao dịch trên thị trường và giá đất quy định theo khung giá và bảng giá đất. Nên chăng các nhà làm luật chỉ nên quy định rõ ràng cơ chế, phương pháp xác định giá trị thị trường. Tất cả các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đều nên quy ra cơ sở giá trị thị trường và giao việc xác định này cho các cơ quan, tổ chức độc lập, có năng lực để thực hiện. Việc xác định giá đất theo giá trị thị trường là cơ chế tối ưu để hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước, làm hài lòng, thỏa mãn tất cả các bên sử dụng đất có liên quan.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Ninh Nhi (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load