(Xây dựng) - Trong quãng thời gian tuổi ấu thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 6 năm sống tại căn nhà số 112 Mai Thúc Loan (nay là số 158, phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đó là những năm tháng với những kỷ niệm theo suốt cuộc đời Người.
Di tích quốc gia đặc biệt tại Huế gắn liền với năm tháng ấu thơ của Bác Hồ. |
Năm 1895, thân sinh Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc xin vào học trường Quốc Tử Giám (Huế) và được chấp thuận. Để được gần gũi vợ con và cũng mong muốn con cái sớm mở mang tầm mắt nơi phồn hoa đô hội, cụ về quê bàn với gia đình đưa vợ con cùng vào Huế để gia đình nương tựa, đồng thời cũng có thời gian chăm sóc và nuôi dạy các con.
Trong tác phẩm "Búp sen xanh", nhà văn Sơn Tùng kể lại: “Sau một tháng đi bộ ròng rã trên con đường dài hàng trăm dặm, gia đình anh cử nhân Nguyễn Sinh Sắc vào tới kinh đô Huế. Anh đưa vợ con đến ở đậu tại ngôi nhà tranh ba gian, có một chái làm bếp.
Đây là ngôi nhà mà Bác Hồ đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ I từ 1895 - 1901. |
Ngôi nhà này cũng trong một dãy nhà đồng loạt gần Viện Đô sát, tại thành nội. Đây là nhà dành cho những viên chức nghèo và gia đình lính khố vàng ở nhờ. Một ông già đầu bếp của đội lính khố vàng hết tuổi ở lính đưa vợ con về quê, đã nhượng lại ngôi nhà cho gia đình Bác.
Ngôi nhà gỗ với ba gian nhà xinh xắn cùng kiểu kiến trúc truyền thống của Huế. |
Với ba gian nhà, một gian phía ngoài, gần con đường đi ra cửa hậu thành, làm chỗ dạy học cho hai con trai của mình và con em một số người quen thuộc. Gian giữa là nơi thờ gia tiên và kê bộ ván để tiếp bạn lúc ban ngày, tối là nơi ngủ của cụ Nguyễn Sinh Sắc và con trai đầu Nguyễn Sinh Khiêm. Gian trong với cái chái nấu bếp là buồng, đặt khung cửi sát cửa sổ và lối đi ra nhà ngoài”.
Đây là một ngôi nhà gỗ rộng ba gian, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế với mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa "thượng song, hạ đố", nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh.
Khung cửi khi đó bà Hoàng Thị Loan làm công việc kéo sợi dệt vải nuôi con. |
Khi nơi ăn chốn ở đã ổn định, cụ Loan bắt tay vào công việc kéo sợi dệt vải, lấy công làm lãi để nuôi con giúp chồng ăn học. Cụ Sắc vào học trường Quốc Tử Giám, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy.
Cụ Sắc ngoài thời gian học tập, còn chẩn bệnh, bốc thuốc cho bà con quanh vùng, cùng với việc dạy dỗ, kèm cặp với học của hai con trai – Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung, trực tiếp đưa các con hòa nhập với đời sống của người dân đất Kinh kỳ.
Những vật dụng xưa cũ trong căn bếp mà mẹ Bác thường sử dụng để nấu cơm cho cả gia đình. |
Cũng như bao người Việt, anh em Bác Hồ đã có những kỷ niệm tuổi thơ đẹp trong một gia đình nền nếp và có truyền thống văn hóa, có người cha giỏi giang nuôi chí lớn, người mẹ hiền thục, đảm đang vun vén lo toan giữ lửa cho gia đình. Và những dấu tích ấy vẫn đang được lưu giữ trong ngôi nhà di tích 112 Mai Thúc Loan (thành phố Huế).
Mâm chén bát đũa để ăn cơm hàng ngày của Bác Hồ thời ấu thơ và gia đình. |
Ấm nước trà gia đình Bác hay uống ở gian giữa nhà. |
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, tại ngôi nhà này, bà Loan đã hạ sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận (sinh năm 1900) và sự suy nhược trong lần mang nặng đẻ đau này khiến bà Loan ốm nặng và qua đời vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901) khi mới 33 tuổi. Bác Hồ mồ côi mẹ lúc còn nhỏ tuổi, trong cảnh bố và anh trai đi coi thi Hương ở Thanh Hóa, Bác một mình chăm em nhỏ đang đói sữa mẹ.
Giường của bà Hoàng Thị Loan thường nghỉ ngơi. Đây cũng là nơi bà hạ sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận (sinh năm 1900) và mất. |
Ngôi nhà là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng kiến và phải chịu nỗi đau mất đi Mẹ và người em trai duy nhất. |
Khu vực sân - vườn rợp bóng cây với nhiều kỷ niệm về Bác và gia đình. |
Ngày nay, căn nhà đã được tu bổ, cải tạo khang trang, cùng với di tích ở làng Dương Nỗ (huyện Phú Vang, Huế) - nơi Bác Hồ sống ở Huế giai đoạn 2 khi đã là thanh thiếu niên, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Trở thành địa chỉ quen thuộc, giúp thế hệ trẻ và người dân cả nước hiểu hơn về Bác Hồ và gia đình Bác.
Di tích rợp bóng cây đem lại cảm giác dễ chịu cho người dân tới thăm quan. |
Những vật dụng xưa cũ từ vật liệu thiên nhiên thân thuộc, những hàng cau xanh thẳng tắp và giàn trầu xanh ngắt, hàng rào dâm bụt, cây trái trong vườn tạo nên sức sống, sự ấm áp, thân quen cho di tích này, tưởng như hình bóng người xưa vẫn ở đâu đây.
Giang Thúy Hà
Theo