(Xây dựng) - Chiều 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất những nội dung liên quan đến NƠXH sẽ có hiệu lực sớm hơn. |
Tăng cường quản lý nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Chủ nhiệm cho biết: Chiều ngày 26/10/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo – Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn. Cụ thể, chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này.
Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH thuê tại khoản 4 Điều 80.
Chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án NƠXH tại điểm d khoản 2 Điều 85 theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, nhưng chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai, để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 94; không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp.
Bổ sung khoản 3 Điều 95 về việc Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư.
Đề xuất phương án liên quan hiệu lực của Luật
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết: Một số nội dung chính sách lớn khác đã được thống nhất tiếp thu, chỉnh lý như thể hiện trong dự thảo Luật liên quan đến các nội dung về: Nhà ở thuộc tài sản công (Điều 13); Quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công (Điều 125); Bán nhà ở thuộc tài sản công tại khoản 3 Điều 125; Bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ (Điều 45)…
Liên quan đến hiệu lực thi hành sớm hơn của nội dung về NƠXH trong Luật Nhà ở; hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở và Luật Đất đai, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị: Trường hợp Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, trước Luật Đất đai, đề nghị UBTVQH xem xét, có ý kiến chỉ đạo về một số nội dung.
Cụ thể, thống nhất ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở (và Luật Đất đai) là từ ngày 01/01/2025, để có cơ sở quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). |
Chủ nhiệm cho rằng: Việc xác định thời điểm có hiệu lực như vậy cũng phù hợp với Luật Đất đai (dự kiến được Quốc hội thông qua chậm nhất tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), để Chính phủ kịp ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu khẩn trương đưa Luật vào cuộc sống.
Chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm tính thống nhất với các nội dung chính sách của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được UBTVQH nhất trí theo Báo cáo số 661/BC-UBTVQH15 ngày 22/10/2023 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đã được thể hiện trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về một số vấn đề chính sách khác của Luật Đất đai liên quan đến Luật Nhà ở phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền hoặc cần tiếp tục thảo luận, cho ý kiến mới có phương án chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho phép tiếp thu theo hướng: Luật Nhà ở không quy định cụ thể mà dẫn chiếu thực hiện theo Luật Đất đai để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.
Đề xuất có hiệu lực sớm đối với những nội dung liên quan đến NƠXH
Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết vừa qua số lượng ĐBQH tham gia cho dự án Luật này cũng khá đông. Sau phiên họp đã có quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật rất công phu.
Cho đến nay, cơ bản tiếp thu, đạt được sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó có các nội dung như quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho người lao động tại Khoản 4 Điều 80. Quy định nội dung nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp Điều 94 mở nhưng có kiểm soát từng bước. Quy định về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) với tinh thần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở nhưng không hợp thức hóa sai phạm…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị UBTVQH tập trung cho ý kiến về các nội dung: Nhà ở thuộc tài sản công Điều 13; Quản lý, sử dụng tài sản ở nhà ở thuộc tài sản công Điều 125; Bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ tại Điều 45; Hiệu lực thi hành sớm hơn của nội dung về NƠXH trong Luật Nhà ở; Hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở và Luật Đất đai; Xem xét tính khả thi của quy định về cưỡng chế bàn giao Quỹ bảo trì nhà chung cư tại Điều 154; Rà soát một số nội dung khác về kỹ thuật văn bản, về chức năng quản lý Nhà nước, điều khoản chuyển tiếp…
Đề cập đến nội dung về nhà công vụ cho cán bộ, công chức Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị: Cần có cái nhìn dài hạn trong việc bố trí nhà công vụ, đảm bảo chính sách xuyên suốt. Lực lượng vũ trang, cơ yếu thì có chính sách ưu tiên phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Việc dành đủ nguồn lực cho nhà công vụ cần theo lộ trình phát triển của đất nước, Chính phủ cần có tính toán cụ thể… Điều quan trọng là phải đảm bảo chính sách được thực hiện xuyên suốt, giúp cán bộ, công chức, đặc biệt trong ngành an ninh, quốc phòng, cơ yếu yên tâm công tác, qua đó thu hút nhân tài vào cơ quan Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Bộ Xây dựng đã làm việc liên tục, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật để chỉnh lý dự thảo Luật sau khi các ĐBQH cho ý kiến…
Về đối tượng thuê nhà ở công vụ, theo Bộ trưởng, dự thảo trước đây Chính phủ gửi UBTVQH không có quy định về điều kiện được thuê nhà công vụ ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, trong dự thảo mới đã mở rộng theo hướng các đối tượng là cấp Phó Thủ trưởng ngành cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Chủ tịch huyện, Phó Giám đốc Sở… được bố trí nhà ở công vụ.
Đối với lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Chính phủ cũng rất ủng hộ việc bổ sung đối tượng là công nhân, viên chức của Bộ Quốc phòng, cán bộ cơ yếu.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ mong muốn những nội dung liên quan đến NƠXH sẽ có hiệu lực sớm hơn, để đẩy mạnh phát triển NƠXH trong điều kiện hiện nay, khi nguồn cung NƠXH đang rất thiếu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng ý với các nội dung trong dự thảo Luật, cũng như các ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ băn khoăn về vấn đề nhà ở công vụ. So với luật hiện hành, dự thảo Luật hiện tại đã có hướng tiếp cận mở đối với vấn đề này. Tuy nhiên, việc tiếp cận nhà ở công vụ đối với cán bộ công tác còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nếu mở rộng hết các đối tượng được sử dụng thì không có đủ nguồn nhà ở công vụ cho các lực lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung: Bố trí tùy theo quỹ nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang hoặc của địa phương. Với số cán bộ điều động, luân chuyển, giao Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh xem xét cân nhắc bố trí thêm cho các trường hợp khác.
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, dự thảo Luật cần diễn đạt rõ ý hơn về các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở công vụ. Bởi nếu định nghĩa như dự thảo, nguồn lực bố trí cho việc thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ của Đảng, Nhà nước rất khó thực hiện.
Về chính sách NƠXH, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị: Cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc quy định về 20% diện tích nhà ở thương mại trong khu NƠXH. Mặc dù quy định như vậy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa nhưng cũng xuất hiện một số vấn đề bất hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện.
Trước các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng đã nêu liên quan đến việc bổ sung đối tượng nhà ở công vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm: Với tư cách là cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, mong muốn có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất về nhà ở cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước, bao gồm cả lực lượng vũ trang khi luân chuyển, điều động, thực hiện nhiệm vụ.
UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), chiều 16/11. |
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng: Một trong những yêu cầu khi xây dựng pháp luật là phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, từng giai đoạn phải có chính sách phù hợp. Luật Nhà ở hiện hành đã quy định đối tượng được hưởng chế độ thuê nhà ở công vụ. Dự thảo Luật Nhà ở lần này cũng mở rộng thêm đối tượng là hạ sỹ quan.
Đồng thời cơ quan thẩm tra cũng đã tiếp thu, đề xuất thêm để tương ứng với chính sách của cán bộ, công chức, viên chức khi đi công tác vùng sâu vùng xa; cố gắng nghiên cứu để đáp ứng được mức tốt nhất trong phạm vi ngân sách có thể đáp ứng. Dự thảo Luật hiện nay đã có một quy định mở tại điểm g khoản 1 Điều 45.
Để tránh lãng phí nhà ở công vụ, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị cho phép cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đề có phương án vừa có đối tượng cụ thể áp dụng, vừa có điều khoản linh hoạt để phù hợp với thực tiễn...
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận: Về cơ bản, việc tiếp thu giải trình của Ủy ban Pháp luật là phù hợp.
Chủ tịch đề nghị tiếp tục tập trung giải trình thuyết phục một số nội dung như: Nhà ở lưu trú ngoài khu công nghiệp; Quy định về Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư NƠXH; rà soát kỹ lưỡng điều khoản chuyển tiếp, thời điểm hiệu lực của Luật, nhất là đối với nội dung NƠXH có thể có hiệu lực thi hành sớm hơn.
Minh Hằng
Theo