Thứ sáu 08/11/2024 01:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Đà Nẵng: Phân cấp rõ về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn

11:18 | 02/07/2020

(Xây dựng) - Từ năm 2018 đến nay, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng như việc xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng đã được phân cấp cho từng cấp từ xã, phường, quận, huyện theo từng cấp độ của công trình xây dựng. Theo sự phân cấp này đơn vị phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn đã được phân quản lý. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có trao đổi với ông Lê Văn Tuấn - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng.

da nang phan cap ro ve cong tac quan ly trat tu xay dung tren dia ban
Sự phân cấp trong quản lý trật tự xây dựng sẽ giám sát tốt hơn về tình hình vi phạm trong xây dựng (Ảnh minh họa).

Ông Lê Văn Tuấn - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Vấn đề phân cấp về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã được Chủ tịch UBND thành phố ký Ban hành tại Quyết định số 36/2018 Ban hành Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày 29/10/2018. Quyết định này đã quy định rõ việc phân cấp trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật, Nghị định và các văn bản pháp lý có liên quan đến quản lý trật tự xây dựng.

Theo Quyết định số 36/2018, các loại công trình xây dựng trong công tác quản lý trật tự xây dựng đó là nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng có yêu cầu thẩm định xây dựng trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, công trình xây dựng có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư xây dựng, công trình khác…

Phân cấp theo quyết định này quy định Chủ tịch UBND cấp xã, phường, quản lý công tác trật tự xây dựng và chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ và công trình khác. Kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm xây dựng không phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép và xây dựng không có hồ sơ thiết kế được thẩm định trong trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng. Tổ chức cưỡng chế phá dỡ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền.

Đối với Chủ tịch UBND cấp quận, huyện thực hiện quản lý công tác trật tự xây dựng và chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã khi UBND cấp xã buông lỏng quản lý. Tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng.

Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng là tham mưu, giúp việc cho Giám đốc Sở về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền; theo dõi, tổng hợp tình hình vi phạm trật tự xây dựng để báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng và Thanh tra Bộ Xây dựng.

Theo Quyết định này, trách nhiệm Giám đốc Sở Xây dựng là tham mưu giúp UBND thành phố chỉ đạo, điều hành chung công tác quản lý nNhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền. Nắm bắt tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, báo cáo và đề xuất UBND thành phố những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện khi UBND cấp huyện buông lỏng quản lý. Xử lý các cán bộ dưới quyền được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố là chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, xử lý, khắc phục tình hình vi phạm trật tự xây dựng. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi thẩm quyền. Xử lý Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND cấp huyện và các cán bộ dưới quyền được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm. Chịu trách nhiệm về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, theo quy định đã ban hành, quy định rõ đối với Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét tạm dừng việc đăng ký tài sản gắn liền với đất đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Đối với Sở Du lịch tạm dừng việc xem xét công nhận hạng cơ sơ sở lưu trú du lịch thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị Tổng cục Du lịch tạm dừng việc xem xét công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét tạm dừng việc cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp công trình đang vi phạm trật tự xây dựng được sử dụng làm cơ sở để đăng ký kinh doanh đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra.

Việc phân cấp này là thực hiện theo quy định hướng dẫn của Chính phủ và thực hiện theo Luật Xây dựng. Trước khi Nghị định 139 có hiệu lực ngày 15/01/2018, việc quản lý trật tự xây dựng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý trật tự xây dựng đô thị và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ.

Tại Nghị định 180 quy định trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng của UBND các cấp, Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị quận, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, cán bộ, công chức tham gia quản lý trật tự xây dựng. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 139 có hiệu lực chỉ quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt.

Hiện tại công tác quản lý trật tự xây dựng được lồng ghép vào công tác quản lý đô thị bao gồm quản lý trật tự xây dựng, trật tự vỉa hè, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường và được giao cho Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận.

Xuất phát từ thực trạng những quy định hiện hành và công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, việc ban hành Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố là thực sự cần thiết. Nhằm phân công, phân cấp và gắn trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý trật tự xây dựng. Ông Tuấn chia sẻ thêm.

Nguyễn Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load