(Xây dựng) – Thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (Ảnh: Internet). |
Ông Phạm Ngọc (Hà Nội) đề nghị Bộ Xây dựng giải đáp vấn đề sau:
Một công trình thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong thời gian xây dựng theo quy định tại Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ. Do nguyên nhân khách quan, hết thời hạn bảo hiểm theo hợp đồng, công trình chưa hoàn thành, bàn giao, phải kéo dài thời gian xây dựng. Nhà thầu bảo hiểm chấm dứt hợt đồng. Chủ đầu tư phải thực hiện mua bảo hiểm của đơn vị bảo hiểm khác để bảo hiểm xây dựng cho công trình trong thời gian kéo dài.
Trong trường hợp nêu trên thì việc xác định số tiền bảo hiểm tối thiểu, phí bảo hiểm cho thời gian xây dựng công trình kéo dài thực hiện theo quy định nào?
Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, chủ đầu tư (hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với một số loại công trình. Chi phí này được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 119/2015/NĐ-CP, thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Do đó, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các chủ thể về nội dung liên quan đến thỏa thuận thời hạn bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết và sự phù hợp với quy định của pháp luật về nội dung này.
Việc có được mua bảo hiểm bổ sung hay không và mức mua bảo hiểm trong thời gian xây dựng kéo dài, ông có thể tham khảo thêm ý kiến của Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp được phép mua bổ sung, thì chi phí bổ sung có thể lấy từ chi phi dự phòng (cho khối lượng công việc phát sinh) theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Thu Hằng
Theo