Thứ bảy 05/10/2024 06:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh

19:24 | 04/10/2024

(Xây dựng) - Sáng 4/10, tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia, đã diễn ra Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 với chủ đề “Phát triển công trình xanh - Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn”. Sự kiện do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức.

Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024.

Tháo gỡ vướng mắc trong phát triển công trình xanh

Phát biểu tại Phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, Trong những năm vừa qua, Việt Nam là một trong số các quốc gia luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cùng với tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra nhanh với mức tăng bình quân hàng năm trên 1%.

Quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh cũng kéo theo những áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải, tác động đến môi trường và gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Đứng trước những thách thức toàn cầu và của quốc gia, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về cơ chế, chính sách; về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức các hội thảo giới thiệu, phổ biến văn bản, quy chuẩn, tiêu chuẩn, công nghệ mới, vật liệu mới, tổ chức các khóa đào tạo, tăng cường năng lực về tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình để đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng, công trình xanh cho các địa phương..

Theo số liệu thống kê, đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2. Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (đến năm 2025 đạt 80 công trình xây dựng; đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả).

Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng Vũ Ngọc Anh trình bày tham luận tại Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024.

Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, loại hình công trình đạt chứng nhận công trình cũng được mở rộng sang nhiều loại hình công trình, bao gồm cả công trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về công trình xanh, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dich vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành: Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh; Quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; Nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tổ chức triển khai và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội theo tiêu chí công trình xanh; Rà soát, sửa đổi QCVN 09:2017/BXD, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu để công bố suất vốn đầu tư cho đầy đủ các loại hình công trình để tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh.

Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng tại Việt Nam

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng Vũ Ngọc Anh thông tin, về căn cứ pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020 đã có quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), bảo vệ tầng ozon, tổ chức và phát triển thị trường carbon.

Tiếp đó, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định các đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK, bao gồm: Các cơ sở phát thải KNK có mức phát thải hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 TOE trở lên.

Trong mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đến năm 2030, Bộ Xây dựng sẽ phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 trong 3 lĩnh vực: Các quá trình công nghiệp; Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; Vận hành tòa nhà.

Ngoài ra, Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, hay Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/05/2022 của Bộ Xây dựng việc phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)” đều đặt ra các mục tiêu, lộ trình giảm phát thải KNK, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Quang cảnh Phiên toàn thể.

Thực tế, trong giai đoạn 2014 – 2020, lượng phát thải KNK quá trình sản xuất vật liệu xây dựng (60,33 triệu tấn lên 95,95 triệu tấn) và quá trình tiêu thụ điện trong tòa nhà (38,01 triệu tấn lên 61,72 triệu tấn) tại Việt Nam đều tăng lên rất cao.

Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng đã vạch ra Kế hoạch giảm phát thải KNK trong ngành Xây dựng. Đối với tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng, các giải pháp đề ra là tận dụng nhiệt thải phát điện; Sử dụng máy nghiền hiệu suất cao; Các giải pháp giảm tiêu thụ điện khác.

Đối với các quá trình công nghiệp xi măng, giải pháp là tối ưu hóa quá trình đốt; Giảm tỉ lệ clinker trong xi măng bằng việc sử dụng phụ gia khoáng hóa thiên nhiên và chất thải từ các ngành công nghiệp khác; Sử dụng chất thải chứa năng lượng làm nhiên liệu thay thế nhiên liệu tự nhiên. Đối với quá trình vận hành tòa nhà, giải pháp là sử dụng thiết bị làm mát (điều hòa, tủ lạnh) hiệu suất cao; Cải tạo, sửa chữa công trình theo hướng giảm phát thải KNK.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành kiểm kê KNK theo quy định của pháp luật và xây dựng báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK cấp lĩnh vực…

Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Các đại biểu tham quan các gian hàng.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu đã trình bày một số tham luận với các nội dung: Phong trào xây dựng công trình xanh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới; Dự báo cung - cầu và tương lai của các công trình, bất động sản xanh trước những cải cách về chính sách phát triển công trình xanh; Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng: Từ định hướng đến các giải pháp kiến trúc cho công trình; Phát triển công trình xanh thông qua nguồn tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại.

Xu hướng xây dựng công trình xanh tại châu Á - Thái Bình Dương và Thế giới

Tham luận tại sự kiện, ông Douglas Snyder, Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cho biết, trên thế giới, số lượng chứng nhận công trình bền vững có sự khác biệt lớn trên toàn cầu, tiêu biểu như châu Phi có Nam Phi với 1.080 công trình, châu Mỹ có Hoa Kỳ với 85.495 công trình, châu Âu có Anh với 18.262 công trình… Nhiều Hội đồng công trình xanh và các quốc gia đã phát triển các hệ thống đánh giá phát thải ròng carbon bằng 0.

Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Ông Douglas Snyder, Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam tham luận tại sự kiện.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, số lượng công trình xanh tăng nhanh với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chứng nhận công trình xanh, lành mạnh và hiệu quả về tài nguyên, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 23.776 công trình. Về nguồn tài chính xanh, 75% chủ sở hữu đã áp dụng tài chính xanh với 21 tỷ đô la Mỹ từ trái phiếu xanh được phát hành cho các dự án bất động sản vào năm 2022 tại châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, chứng nhận công trình xanh LOTUS đang ngày càng tăng lên nhanh với tổng số chứng nhận công trình là 79. Về chứng nhận này, ông Douglas Snyder cho biết, hệ thống LOTUS Homes Core và Shell mới đã có bản thử nghiệm (khu dân cư lớn) vào năm 2023; có nhãn Sản phẩm xanh mới; phát triển dành cho quy hoạch đô thị và công cụ cấp độ IP. Đồng thời, cập nhật chứng nhận LOTUS NC v4, đảm bảo tính tuần hoàn, vận hành không phát thải cacbon, thiết kế chống chịu và thích ứng tốt, bình đẳng và tiếp cận.

Chuyển đổi xanh từ giải pháp kiến trúc cho công trình xây dựng

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng cần từ quy hoạch, kiến trúc, tổ hợp công trình xây dựng, đến những công trình xây dựng đơn lẻ. Đó là, sử dụng hiệu quả năng lượng đi đôi với giảm thiểu sử dụng năng lượng không thể tái tạo; Giảm phát thải carbon bằng giải pháp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công nghệ xây dựng sạch; Thúc đẩy sử dụng bền vững và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên theo tinh thần nương nhờ; Tạo được môi trường bên trong và bên ngoài an toàn, tiện nghi, bảo vệ sức khỏe cho con người góp phần bảo tồn phát huy văn hóa bản địa và hội nhập tiên tiến trên tinh thần không hòa tan.

Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Các diễn giả tham gia Tọa đàm tại Phiên tổng thể.

Trước đây, chuyển đổi xanh chỉ tập trung cho khu vực đô thị. Ngày nay, nông thôn đã tự do phát triển hỗn loạn và thiếu bài bản, chuyển nhanh từ “xanh” sang “xám”, chuyển đổi xanh ở vùng miền này cũng trở nên quan trọng không kém gì đô thị.

Ông Phan Đăng Sơn cho rằng, chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng. Việc đánh giá phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ.

Với công trình, tổ hợp công trình hình thành mới, cần xác định mục tiêu bền vững và cụ thể. Lựa chọn khung đánh giá phù hợp. Sử dụng công nghệ và sáng tạo. Kiểm định, đánh giá liên tục quá trình triển khai. Kiểm soát và vận hành kết nối liên hệ. Với công trình, tổ hợp đã hình thành từ trước khi chuyển đổi xanh, cần có sự đánh giá hiện trạng. Sử dụng công nghệ và sáng tạo để triển khai. Các bước kiểm soát suốt quá trình triển khai. Vai trò mới trong kết nối quy hoạch…

Kiến trúc xanh là kiến trúc được áp dụng một cách sáng tạo, hiệu quả các giải pháp thiết kế mà xây dựng, vận hành cho đến loại bỏ đều đáp ứng thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Sử dụng hiệu quả tối ưu năng lượng, tài nguyên, vật liệu. Tạo tiện nghi và sức khỏe tốt cho người sử dụng. Hài hòa phù hợp với cảnh quan sinh thái tự nhiên, bản sắc văn hóa, điều kiện xã hội, tính nhân văn.

Công trình xanh thì phải thỏa mãn những yếu tố thân thiện môi trường toàn diện hơn kiến trúc xanh, nhưng yếu tố gắn với xã hội và con người về mặt nhân văn lại không cần đáp ứng rõ và đầy đủ như kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh thỏa mãn yêu cầu thẩm mỹ và công năng tốt, giải quyết hiệu quả về tính bản sắc, tiên tiến về hình thái – nội dung, đạt hiệu ứng rõ ràng về đáp ứng tính bản địa gắn với phong tục tập quán địa phương.

Trong điều kiện tự nhiên, khí hậu, thủy văn các vùng miền rất khác nhau, chịu ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu không giống nhau, bản sắc văn hóa khác nhau, con người lối sống khác nhau, các giải pháp kiến trúc xanh cần gắn chặt điều kiện cụ thể tại các vùng đó.

Ông Phan Đăng Sơn đề xuất một số gợi ý mang tính chất khung chung cho thể loại công trình xây dựng mới: Giải pháp với việc xác lập địa điểm bền vững; Giải pháp cho sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; Giải pháp đảm bảo chất lượng môi trường bên trong nhà; Giải pháp đáp ứng tính bản sắc và tiên tiến của kiến trúc; Giải pháp đáp ứng tính xã hội và nhân văn…

Tại Phiên toàn thể còn diễn ra tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, chủ đầu tư về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bất động sản… Đồng thời, trao Chứng nhận công trình xanh và Giải thưởng báo chí viết về Công trình xanh năm 2024.

Một số hình ảnh tại Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024:

Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh
Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn trong phát triển công trình xanh

Nhóm PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load