(Xây dựng) - Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 sẽ tiếp thêm sức mạnh để thúc đẩy hoạt động phát triển ngành Vật liệu xây dựng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Việt Nam hiện là quốc gia có sản lượng gốm ốp lát đứng thứ 5 thế giới. |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; trong đó lưu ý việc tổ chức khai thác, chế biến hợp lý và sử dụng tổng hợp khoáng sản, theo quy hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định…
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược, nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Chiến lược đưa ra 7 giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; Bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Chiến lược nêu rõ, trong công tác tổ chức khai thác, chế biến hợp lý và sử dụng tổng hợp khoáng sản, theo quy hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định; hình thành các khu vực, cơ sở chuyên gia công chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
Chiến lược là định hướng quan trọng, thúc đẩy hoạt động phát triển toàn ngành Vật liệu xây dựng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và tiến tới xuất khẩu thì cần đầu tư khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực chế biến nguyên liệu nhằm ổn định và nâng cao chất lượng đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Cần đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng thay thế; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm vật liệu xây dựng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…
Ngoài ra, trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường.
Hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Cần chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm và môi trường. Nâng thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét để sản xuất gạch nung. Ban hành quy định về chứng nhận và dán “nhãn xanh” cho các sản phẩm vật liệu xây. Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm vật liệu xây được chứng nhận và dán “nhãn xanh”. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có các sản phẩm được chứng nhận và dán “nhãn xanh”, hoặc sử dụng các chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế với tỷ lệ hợp lý…Được như vậy, ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu sản phẩm trong nước và tiến tới xuất khẩu vật liệu xây dựng trong tương lai là điều không khó.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ngành Vật liệu xây dựng trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đều có sự chuyển biến một cách tích cực. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 - 3 lần so với 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhiều loại vật liệu xây dựng của Việt Nam có số lượng, chủng loại hàng đầu thế giới (xi măng, clanhke, gốm - sứ xây dựng…).
Trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng khác, ngành sản xuất vật liệu gốm ốp lát, Việt Nam hiện là quốc gia có sản lượng đứng thứ 5 thế giới. Các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng như kính, thiết bị vệ sinh, hiện Việt Nam đã chủ động sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và chỉ nhập khẩu một số sản phẩm cao cấp…
Hạ Ly
Theo