Thứ sáu 17/05/2024 09:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp các dự án đầu tư công

09:47 | 15/03/2024

(Xây dựng) - Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nguyên nhân chủ yếu là thiếu vật liệu san lấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp các dự án đầu tư công
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chủ trì cuộc họp ngày 14/3/2024, nghe báo cáo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp các dự án này.

Ngày 14/3/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng nguồn vật liệu san lấp và kỹ thuật thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Theo báo cáo của các Ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc tỉnh, tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều dự án hạ tầng giao thông đang bị chậm so với kế hoạch đặt ra.

Trong đó, nguyên nhân lớn nhất do thiếu nguồn vật liệu san lấp là cát và đất. Đặc biệt tại các dự án: Đường ven sông đoạn từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338; đường ven sông đoạn từ đường tỉnh 338 đến cổng tỉnh và dự án đường nối cầu Bến Rừng.

Hiện đang có mỏ đất Trới tại thành phố Hạ Long và mỏ Bắc Sơn tại thành phố Uông Bí hoàn thành thủ tục để khai thác, tuy nhiên công suất khai thác mỏ khó đảm bảo cung cấp đủ đối với các dự án cùng một lúc. Đối với nguồn đất K95, K98 mới đáp ứng được 3,7 triệu m3 trên nhu cầu trên 6,6 triệu m3, tương đương 55,6% nhu cầu của các dự án.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nêu rõ: Những khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án hạ tầng không chỉ của riêng Quảng Ninh, mà đang là vấn đề chung của nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua. Để đảm bảo nhanh chóng hoàn thành các dự án phục vụ nhân dân và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Cao Tường Huy yêu cầu các Sở, ngành và địa phương liên quan tập trung rà soát, phối hợp đẩy nhanh giải quyết các hồ sơ pháp lý để cấp phép sớm cho các mỏ đất trong quy hoạch trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật. Nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải để tỉnh thí điểm sử dụng cát nước mặn phục vụ san lấp thay thế cát sông tại một số dự án. Đồng thời truyền đi thông điệp tỉnh sẽ thu hồi đối với các mỏ đất được cấp quyền khai thác, khoanh định phục vụ các dự án đầu tư công nếu chủ đầu tư các mỏ không làm được hoặc cản trở, gây ách tắc trong quá trình vận chuyển thi công các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp các dự án đầu tư công
Dự án đường nối cầu Bến Rừng với chiều dài 2,2km, có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh gần 360 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh, khởi công từ tháng 5/2023 nhưng đến cuối năm 2023, tiến độ tổng các hạng mục chỉ đạt hơn 20% khối lượng các phần việc. Quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm.

Với nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là rất lớn. Theo thống kê giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Ninh cần 640 triệu m3 đất đá cho hoạt động san lấp dự án trọng điểm, đến năm 2025 các dự án đã đăng ký là 595 triệu m3, trung bình là 150 triệu m3/năm. Giai đoạn 2026 – 2030 là 510 triệu m3. Điển hình như dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh cần khoảng 300 – 400 triệu m3, dự án tổ hợp cảng biển tại thị xã Quảng Yên là khoảng 100 triệu m3.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: Qua báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng), các bãi thải mỏ trong tỉnh Quảng Ninh có thể cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn giai đoạn 2021-2030 là khoảng 965 triệu m3. Đây là nguồn cơ bản đáp ứng phần lớn nhu cầu về vật liệu san lấp ở Quảng Ninh. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, xác định hàng chục vị trí bãi thải mỏ để khai thác, thu hồi làm vật liệu san lấp đưa vào phương án bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh. Khi các bãi thải mỏ này được khai thác, sẽ góp phần quan trọng để các dự án hạ tầng giao thông của Quảng Ninh không lâm cảnh "ăn đong" vật liệu san lấp như thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp các dự án đầu tư công
Nguồn đất, đá thải mỏ ở Quảng Ninh đang được địa phương đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng làm vật liệu san lấp (ảnh: Trung Nguyên/TTXVN).

Đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết cấp phép việc khai thác, thu hồi đất, đá thải mỏ ở 4 bãi thải có tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3 để phục vụ thi công một số dự án giao thông gồm: Bãi thải vỉa 14 cánh Tây của Công ty Cổ phần Than Núi Béo (0,8 triệu m3), bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3), bãi thải Suối Lại của TKV (3,5 triệu m3) và bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc (4,73 triệu m3)…

Hiện tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khi đề án này được thông qua sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về vật liệu san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn.

Hoàng My

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load