Thứ bảy 28/12/2024 00:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Lê Quang Hùng: Cần nghiên cứu về các tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề thực tiễn

21:54 | 13/12/2024

(Xây dựng) - Được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, ngày 13/12, tại Hải Phòng, Hội Bê tông Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) tổ chức Hội thảo chuyên đề với nội dung: Chống ăn mòn và bảo vệ công trình xây dựng; tác động của bão Yagi tới kết cấu xây dựng và giải pháp phòng ngừa.

Để hiểu rõ hơn về các nội dung bàn luận tại Hội thảo cũng như những giải pháp đưa ra nhằm đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình, Báo điện tử Xây dựng có cuộc trao đổi với TS. Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam.

Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Lê Quang Hùng: Cần nghiên cứu về các tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề thực tiễn
TS. Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết về hoạt động của Hội Bê tông Việt Nam và tại sao Hội lại chọn 2 đề tài khoa học đang rất được quan tâm hiện nay?

TS. Lê Quang Hùng: Hội Bê tông Việt Nam là Hội xã hội nghề nghiệp. Các hoạt động của Hội không chỉ tập trung về lĩnh vực vật liệu bê tông mà còn xuyên suốt từ vật liệu, thi công đến thiết kế kết cấu công trình. Những năm qua, Hội Bê tông Việt Nam thường xuyên tổ chức các Hội thảo chuyên đề, Hội nghị, biên soạn tiêu chuẩn và trao đổi các vấn đề kỹ thuật phát sinh thực tiễn…

Như chúng ta đã biết, bê tông và bê tông cốt thép là vật liệu chính cấu tạo nên công trình, bao gồm cả các công trình dân dụng, giao thông, công nghiệp và các công trình thủy công. Hai chuyên đề được lựa chọn tại Hội thảo hôm nay, một mặt theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, mặt khác là những vấn đề có tính thời sự và có những nội dung cần phải tổng kết làm rõ trong thời điểm hiện nay.

PV: Xin ông phân tích rõ hơn về nội dung của chuyên đề ăn mòn kết cấu công trình? Hội thảo đã đúc rút những kết luận quan trọng nào đối với thiết kế để đảm bảo tuổi thọ bền lâu cho công trình?

TS. Lê Quang Hùng: Ở chủ đề “Ăn mòn kết cấu công trình và thiết kế đảm bảo sự bền lâu”, có thể thấy rằng, trước đây, chúng ta quan tâm nhiều đến khả năng chịu lực của kết cấu, chưa quan tâm thích đáng đến việc đảm bảo tuổi thọ của kết cấu tồn tại theo thời gian.

Qua thảo luận cho thấy, các tiêu chuẩn thiết kế đảm bảo độ bền lâu hiện nay đã có, nhưng các tiêu chuẩn này chưa đồng bộ. Cùng một nội dung và đối tượng áp dụng, nhưng có thể có những quy định khác nhau. Điều đó dẫn đến khi áp dụng tiêu chuẩn vào thực tế bị lúng túng. Tiêu chuẩn thiết kế đảm bảo độ bền lâu cho các công trình giao thông cũng khác với công trình dân dụng. Do vậy, sau khi sáp nhập ngành Xây dựng và ngành Giao thông thì cần đặt ra vấn đề đồng bộ của các tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, các thiết kế đảm bảo độ bền lâu của công trình rất rộng, phụ thuộc vào môi trường. Hội thảo hôm nay mới chỉ tập trung bàn luận trong môi trường biển, còn những môi trường khác như nước ngầm, đất ngầm, nước lợ, hóa chất, đường ống xả thải… tác động đến ăn mòn công trình như thế nào?

Nguyên tắc thiết kế đảm bảo sự bền lâu còn phụ thuộc vào bộ phận công trình, loại công trình, vị trí công trình. Ví dụ, những bộ phận kết cấu quan trọng không thể tiếp cận bảo trì thì phải có giải pháp tăng cường hơn nữa; đối với những bộ phận kết cấu có thể bảo trì và tầm quan trọng kết cấu thấp hơn thì có thể giảm bớt các quy định về bảo vệ.

Tất cả những vấn đề bàn luận tại Hội thảo được đặt ra để cơ quan quản lý Nhà nước, Vụ Khoa học công nghệ cần xem xét, đánh giá và đưa ra quy hoạch, lộ trình soạn thảo tiêu chuẩn về chống ăn mòn phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế kết cấu để thống nhất, dễ áp dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Lê Quang Hùng: Cần nghiên cứu về các tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề thực tiễn
Quang cảnh Hội thảo.

PV: Ở chuyên đề 2, đã đặt ra một vấn đề rất thời sự bởi những tác động của cơn bão Yagi tới các công trình xây dựng. Hội thảo đã có những tổng kết nào về sự tàn phá của cơn bão số 3, nguyên nhân vì sao công trình bị sập đổ hư hại nặng và những giải pháp phòng ngừa là gì, thưa ông?

TS. Lê Quang Hùng: Trong năm 2024, đã xảy ra cơn bão mạnh, tàn phá nghiêm trọng là cơn bão Yagi. Ở chủ đề này, Hội thảo tổng kết đánh giá ở góc độ chuyên môn để xem quy mô sức mạnh cơn bão so với quy định của quy chuẩn xây dựng hiện nay. Bên cạnh đó, hiện trạng tác động của bão đến công trình nào, loại kết cấu nào, nguyên nhân gây ra hư hỏng và giải pháp phòng ngừa.

Có thể thấy, sức tàn phá của cơn bão Yagi rất lớn, sức gió mạnh nhất trong 50 năm qua. Đối chiếu với QCVN 02:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, tính tần suất lặp 50 năm, thì giá trị đo được của cơn bão ở các vị trí khác nhau ở tiệm cận giá trị trên của Quy chuẩn.

Hiện trạng phá hủy của cơn bão đối với kết cấu chịu lực bê tông cốt thép là không lớn; không gây ra sập đổ kết cấu chịu lực của nhà cửa, cầu cống nhưng có tác động đến kết cấu thép, dàn mái ở khẩu độ lớn. Qua đánh giá của các chuyên gia, tác động của cơn bão có thể chưa hẳn đã vượt các giá trị của tiêu chuẩn mà còn có thể có những lỗi từ thiết kế kết cấu.

Đối với kết cấu bao che như là tường kính, vách kính, mái kim loại, cửa sổ… thì bão số 3 tác động tương đối rõ nét như tốc mái, vỡ kính, bung cửa... Hiện nay, chúng ta chưa có đầy đủ về tiêu chuẩn về thiết kế cấu bao che này. Vì vậy, rất cần nghiên cứu để có những tiêu chuẩn thiết kế phù hợp.

Cơn bão Yagi còn tác động đến các cột điện ly tâm làm gãy cột điện ở cao độ 1,5-2m từ mặt đất, gây thiệt hại lớn. Đây là vấn đề phải được đặt ra. Ngoài ra, hệ thống cây xanh, vật thể kết cấu khác như cột ăng ten thu phát sóng, bồn bể trên mái nhà… cũng bị tác động nặng nề. Riêng cột điện ly tâm, phải xem xét về vấn đề thống nhất giữa tiêu chuẩn sản phẩm và thực tế tải trọng tác động lên cột. Trên cơ sở thảo luận tại Hội thảo, đề nghị cơ quan Nhà nước tiếp nhận và đưa ra các chỉ đạo phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load