Chủ nhật 10/11/2024 16:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội

23:03 | 19/04/2021

(Xây dựng) - Là nội dung chính được đề cập tại Chương trình đào tạo tại địa phương về dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng Việt Nam phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức chiều ngày 19/4 tại Hà Nội.

chia se kinh nghiem kien thuc ve co che chinh sach phat trien nha o xa hoi
Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030” nhằm hỗ trợ nghiên cứu xây dựng khung chính sách và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội…

Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030” (Dự án) - Dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc, để hỗ trợ nghiên cứu xây dựng khung chính sách và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở tại Việt Nam.

Bà Phạm Hồng My - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, chủ trì thực hiện dự án. Chương trình đào tạo này là một trong những hoạt động quan trọng của dự án nhằm thực hiện mục tiêu chính là hỗ trợ nghiên cứu xây dựng khung chính sách và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội.

Dự án còn hướng tới việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân các Khu công nghiệp, cải thiện điều kiện sống của người có thu nhập thấp và trung bình, giúp thị trường nhà ở Việt Nam phát triển, lành mạnh.

Theo đó, dự án gồm 5 phần: Nghiên cứu các hiện chính sách của Việt Nam; khảo sát, khảo sát các yêu cầu từ các đối tượng của nhà ở xã hội; đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ quản lý; xây dựng chiến lược phát triển tại quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; đề xuất nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014.

Thông qua triển khai 5 hợp phần, dự án sẽ đưa ra các đề xuất tổng thể nhằm mục đích cải thiện chính sách tại xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nghiên cứu, tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà cho thuê; nâng cao năng lực chuyên môn cho bộ quản lý, chuyên viên của cơ quan có liên quan về định hướng chính sách trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Moon Hyogon, Giám đốc dự án phía Hàn Quốc chia sẻ, các chuyên gia đã phân tích những nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở xã hội không được cung ứng tốt tại Việt Nam và đưa ra các phương án chính sách dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Trong quá trình thực hiện dự án, các chuyên gia của KOICA đã có những cuộc gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi với các cơ quan, chính quyền các địa phương những vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; làm việc với các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà ở, đô thị, qua đó nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu thực trạng phát triển nhà ở xã hội tại 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam với sự tham gia của khoảng 15 nghìn người thuộc tầng lớp thu nhập thấp đô thị, công nhân Khu công nghiệp.

"Từ đó, chúng tôi đưa ra các chính sách cần thiết để đạt được các mục tiêu này trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn như đất đai, tài chính nhà ở, mô hình cung ứng và hy vọng dự án này sẽ mang lại cho Việt Nam những thay đổi cơ bản nhằm cung cấp nhà ở xã hội liên tục và ổn định" - ông Moon Hyogon nhấn mạnh.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm phong phú từ các dự án phát triển nhà ở xã hội tại Hàn Quốc và tại nhiều nước trên thế giới, giúp nhân rộng các kiến thức, kinh nghiệm tốt từ những điểm khác nhau mà chương trình đã thực hiện và ứng dụng thành công để có thể vận dụng vào thực tế tại Việt Nam. Qua đó, đưa ra các phân tích, đánh giá, đề xuất giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, lồng ghép các cách tiếp cận phát triển nhà ở xã hội tiên tiến trên thế giới vào phát triển chương trình nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Linh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load