(Xây dựng) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội thảo luận hội trường về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa 2 đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Trong phiên họp, đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận, còn 72 đại biểu chưa phát biểu. Do hết thời gian, đề nghị các vị đại biểu gửi văn bản ý kiến qua Ban Thư ký để tổng hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã giải trình, làm rõ một số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch nhận định: Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị, báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội.
So với Kỳ họp thứ 5, dự thảo luật đã hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều nội dung, nhiều vấn đề quan trọng đã được thể chế hóa. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau. Các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung nhưng cũng tham gia nhiều ý kiến cụ thể. Các ý kiến thảo luận và tranh luận là xác đáng, tâm huyết và trách nhiệm.
Đối với các vấn đề đang được trình Quốc hội 2 phương án, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải nhận định: Nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, thể hiện chính kiến, lựa chọn phương án và đề xuất phương án hợp lý hơn. Đây là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét phương án khả thi nhất.
Cũng theo Phó Chủ tịch, nhiều vấn đề quan trọng của dự án luật đã được các đại biểu tập trung thảo luận và phân tích, góp ý sâu sắc như việc thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng về quản lý sử dụng đất, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất; Các trường hợp không phải đấu thầu đấu giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất, thẩm quyền, tiêu chí và điều kiện thu hồi đất, trường hợp thu hồi đất, trong đó chú ý đến đất trồng lúa, đất sản xuất nông nghiệp…
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, các đại biểu cũng đề cập rõ hơn về cơ chế xác định giá đất, các nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, thuê đất trả tiền hàng năm và trả tiền một lần giao đất cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Một số đại biểu tham gia ý kiến về cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quản lý sử dụng đất, kết hợp đa mục đích đất quốc phòng, an ninh, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đất ven biển, đất cho dự trữ khoáng sản, phát triển du lịch, dịch vụ điều khoản thi hành quy định chuyển tiếp kỹ thuật lập pháp, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch nhận định: Qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo chưa đảm bảo chất lượng để thông qua tại kỳ họp này và đề nghị tiếp tục nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật. Một số đại biểu đề nghị cần tập trung hơn nữa để đảm bảo thông qua luật tại kỳ họp này.
Phó Chủ tịch khẳng định: Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa 2 đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua dự án luật, đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật.
Sẽ tiếp tục giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm
Trước đó, thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm. |
Về vấn đề chung, nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về sự thống nhất của hệ thống pháp luật như liên quan đến Luật Lâm nghiệp…, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, đã thống nhất quan điểm với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về chính sách theo hướng phân cấp ủy quyền đất rừng cho Hội đồng nhân dân các địa phương, khi sửa Luật Lâm nghiệp.
Đối với Điều 79, về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các ý kiến phát biểu đều thống nhất với nội dung bổ sung vào khoản 31 của Điều 79 là cho phép Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp các dự án do Quốc hội, do Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhưng có ý kiến còn muốn mở rộng thêm vấn đề này tới cả các dự án được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhận định: Vấn đề này còn nhiều yếu tố phức tạp khác, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra ghi nhận ý kiến của các đại biểu, sẽ phối hợp với nhau để có cách xử lý trong thời gian tới.
Liên quan đến nội dung các dự án thuộc diện thu hồi đất, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhận định: Nếu doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn được thỏa thuận, các đại biểu cũng ủng hộ theo hướng này để trong quá trình thỏa thuận như thế thì bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, cũng tránh các khiếu kiện phức tạp.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn băn khoăn là trong trường hợp một vài đối tượng trong quá trình thỏa thuận không thành công cũng cần phải có cơ chế xử lý. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có hướng giải quyết” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.
Nội dung lớn thứ hai, quy định về các điều kiện để Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hay phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ nhiệm cho biết: Một trong những yêu cầu của Nghị quyết 18 là chúng ta có thể thu hồi đất nhưng phải có phương án cho người dân để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân.
Trong vấn đề này, dự thảo luật xác định 7 trường hợp phương án là bắt buộc phải có. Trong trường hợp bắt buộc phải có tái định cư thì phải hoàn thành nghĩa vụ tái định cư. Trong trường hợp chưa hoàn thành khu tái định cư, bởi vì thời gian để xây dựng khu tái định cư mất rất nhiều thời gian, thì bố trí tạm cư và người dân phải đồng thuận.
Trước khi thu hồi đất phải thỏa thuận, phải được người dân đồng thuận nhận tiền hoặc nhận chỗ tái định cư, tạm cư, vừa bảo đảm thúc đẩy dự án phát triển nhanh, bảo đảm tiến độ nhưng vẫn bảo đảm đến quyền lợi trong cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Vấn đề thứ ba, có liên quan đến các chính sách để bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự thảo luật đã đưa ra hẳn Điều 16 và một số điều khoản nữa để thực hiện chính sách này…
Trước ý kiến của đại biểu cho rằng phạm vi của chính sách còn hẹp hơn so với Nghị quyết 18, “Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để đưa vào luật phải bảo đảm tính khả thi. Dự thảo bồi thường về tài sản trên đất, còn bồi thường về đất thì chưa có cơ chế, chúng ta tiếp tục nghiên cứu để xử lý vấn đề này” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.
Về quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo luật theo hướng thu hút đầu tư, thu hút các nguồn kiều hối từ kiều bào ở nước ngoài về nhưng cũng phải bảo đảm tính lịch sử và tính thống nhất trong chính sách. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch tiếp cận đất đai giống như người Việt Nam ở trong nước.
Đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội các phương án khác nhau, nhưng qua thảo luận cũng vẫn có nhiều luồng ý kiến. Có trường hợp ủng hộ cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất, trả tiền hàng năm được quyền thế chấp. Nhưng nhiều ý kiến để bảo đảm nên theo pháp luật về dân sự. Nhưng khi đơn vị sự nghiệp công lập làm ăn thua lỗ, khi đó người ta xử lý tài sản trên đất gắn với cả đất, là sẽ theo quy định của pháp luật về tài sản công, khi tài sản không được bảo toàn… “Về vấn đề này cần được tiếp tục làm rõ” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhận định.
Trường hợp cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, trong 3 phương án trình, đại biểu có vẻ thiên về phương án thứ ba -Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhận định.
Sau cùng, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để tiếp thu hoặc giải trình thấu đáo tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Quý Anh
Theo