Thứ sáu 20/09/2024 16:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Cầu Giấy (Hà Nội): Nghi vấn năng lực doanh nghiệp thực hiện Dự án công viên gần 2.000 tỷ đồng?

19:06 | 10/07/2022

(Xây dựng) – Công ty TNHH VNT “ẵm” trọn mảnh đất hơn 100.000m2 tại vị trí vàng của quận Cầu Giấy, hứa hẹn đầu tư Công viên, hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam Hà Nội với vốn dự kiến gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện không rõ địa chỉ trụ sở công ty, liên tục điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, dự án bỏ hoang suốt 10 năm. Dư luận đang rất lo lắng về năng lực của nhà đầu tư này cũng như lo lắng cho số phận dự án.

cau giay ha noi nghi van nang luc doanh nghiep thuc hien du an cong vien gan 2000 ty dong
Người dân đang đặt nghi vấn năng lực của chủ đầu tư (ảnh: Duy Thanh).

Liên tục điều chỉnh với mục đích gì?

Như Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin, Dự án Công viên, hồ điều hòa Khu đô thị (KĐT) Tây Nam Hà Nội thuộc địa phận phường Trung Hòa, giáp ranh phường Yên Hòa (Cầu Giấy). Dự án được giao cho Công ty TNHH VNT làm chủ đầu tư, vốn dự kiến khoảng gần 2.000 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng hơn 100.000m2, mục tiêu là công viên, hồ điều hòa.

Ngày 22/4/2013, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký Quyết định số 2725/QĐ-UBND thu hồi 3.182,3m2 đất tại các phường Yên Hòa, Trung Hòa, quận Cầu Giấy, cho Công ty TNHH VNT thuê 102.575,1m2 đất để thực hiện Dự án công viên, hồ điều hòa KĐT Tây Nam Hà Nội (giai đoạn 1).

Xét về mặt pháp lý, dự án này đã cơ bản đầy đủ thủ tục để có thể triển khai thực hiện từ năm 2013. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau khoảng 10 năm kể từ ngày được lựa chọn làm chủ đầu tư, Công ty TNHH VNT vẫn không đưa dự án vào triển khai xây dựng?

Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Xây dựng, dự án đang được bao quanh kín mít bởi các tấm tôn màu xanh, lối vào chính trên đường Nguyễn Chánh luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Bên trong dự án cỏ mọc um tùm, nhiều sân bóng nhân tạo, người dân chiếm đất sử dụng sai mục đích.

Trao đổi nhanh với ông Đinh Viết Đạt, cán bộ Công ty TNHH VNT qua số điện thoại 0945.522.XXX được biết, hiện nay Dự án không triển khai gì, khi nào đến giai đoạn xây dựng Công ty sẽ triển khai. Phần đất người dân tự lấn chiếm công ty đã yêu cầu tháo dỡ hết.

Liên hệ với ông Ngô Doãn Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH VNT qua số điện thoại 0986.768.XXX, ông Phúc lấy lý do bận chưa thể trả lời phóng viên.

Tìm đến Công ty TNHH VNT để truyền đạt những mong mỏi, chờ đợi và hy vọng của người dân vào dự án này. Khi phóng viên đến địa chỉ Công ty TNHH VNT được công bố trên mạng (gồm số 4 Láng Hạ và 18 Ngô Quyền), chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu của mọi người, bởi những nơi chúng tôi đến người dân khẳng định hiện không có Công ty TNHH VNT nào hoạt động.

Làm việc với ông Vũ Trung Kiên – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy được biết, phía Công ty TNHH VNT vừa mới gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng theo chỉ đạo của thành phố liên quan đến hình dáng, mật độ xây dựng, cây xanh, các hạng mục phụ trợ bên trong, sử dụng tầng hầm bên dưới phục vụ bãi đỗ xe... Kế hoạch, chậm nhất trong quý III sẽ xong phần thủ tục điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng. Dự án này cũng đã điều chỉnh 3 lần, là dự án công viên mở tự do cho người dân vào sử dụng.

Khi được hỏi vì sao 1 số dự án trên địa bàn quận chậm đưa đất vào sử dụng lên đến hơn chục năm nhưng vẫn không bị thu hồi? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Trung Kiên cho rằng dự án không dừng triển khai hẳn mà đã điều chỉnh rất nhiều lần, chủ đầu tư liên tục gửi văn bản xin ý kiến cơ quan chức năng điều chỉnh, hiện vẫn đang tiếp tục điều chỉnh. (Tức là dự án thực tế chưa đầu tư xây dựng trên thực địa nhưng vẫn liên tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, do vậy đủ điều kiện để không bị thu hồi - PV). Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi trong hơn chục năm qua, các lần chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh có đáp ứng điều kiện để không bị thu hồi theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 không? Ông Kiên cho rằng, trong thời gian chủ đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh nhiều lần, nay chuẩn bị bước phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, sau đó triển khai cấp Giấy phép xây dựng (?)

Năng lực chủ đầu tư thế nào?

Tìm hiểu về Công ty TNHH VNT, chúng tôi không có được nhiều thông tin bởi đây là 1 doanh nghiệp không có hoạt động gì nổi trội. Tuy nhiên, được biết Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) là đối tác với VNT thực hiện dự án công viên nói trên. Nhưng ngày 19/2/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã có Nghị quyết số 01/2021/NQ-ĐHĐCĐ thông qua chủ trương chấm dứt hợp tác và rút vốn tại dự án công viên nói trên để tái cơ cấu khoản nợ với Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế thần đồng theo phương án thỏa thuận với Công ty VNT. Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã ký hợp đồng và nhận tiền góp vốn 200 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế thần đồng.

Tuy vậy, tìm hiểu trên mạng, cũng giống như Công ty TNHH VNT, Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế thần đồng cũng không hoạt động nào trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng đặc biệt là về mảng công viên.

Qua đó có thể thấy, Dự án Công viên, hồ điều hòa KĐT Tây Nam Hà Nội được đầu tư bởi các doanh nghiệp không có nhiều dấu ấn trong giới bất động sản, xây dựng, nhất là trong lĩnh vực công viên. Trong khi đó, không hiểu với mục đích gì, dự án đã 3 lần điều chỉnh tổng mặt bằng và tiếp tục đề nghị điều chỉnh tiếp? Bởi có sự thay đổi đối tác đầu tư, thoái vốn cũng làm dư luận dấy lên những nghi ngại về năng lực thực sự của nhóm nhà đầu tư này.

cau giay ha noi nghi van nang luc doanh nghiep thuc hien du an cong vien gan 2000 ty dong
Dự án bỏ hoang góp phần làm xấu xí bộ mặt Thủ đô (ảnh: Duy Thanh).

Hiện nay, người dân đang rất kỳ vọng vào Dự án công viên khu vực này sớm được xây dựng, bởi Hà Nội nói chung và khu vực lân cận giữa quận Cầu giấy và Thanh Xuân, Hà Đông đang rất thiếu công viên, hồ điều hòa, những dự án được ví như lá phổi xanh của khu vực.

Ở một diễn biến khác, trước tình trạng quy hoạch 1 số khu vực của Hà Nội đang bị “băm nát” bởi các lần điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể như các dự án dọc tuyến Lê Văn Lương – Tố Hữu, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt các dự án xây dựng dọc tuyến đường Lê Văn Lương (cách vị trí Công viên KĐT Tây Nam Hà Nội chỉ vài cây số) có rất nhiều sai phạm liên quan đến quy hoạch, thay đổi quy hoạch. Hậu quả dẫn đến nâng chiều cao, tăng số tầng, tăng mật độ xây dựng, thêm số người khiến cho xe cộ, phương tiện tăng lên đáng kể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, đè nặng lên hạ tầng, rồi thiếu hạ tầng cơ bản như thiếu diện tích cây xanh, trường học, trạm y tế… đang làm nóng dư luận thời gian qua.

Cho dù lý do chậm triển khai xây dựng Dự án Công viên KĐT Tây Nam Hà Nội là gì đi chăng nữa thì Thành phố Hà Nội cũng cần phải có thái độ quyết liệt, dứt khoát với chủ đầu tư dự án này và các dự án tương tự, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đưa dự án vào triển khai xây dựng, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt.

Thành phố Hà Nội cần kiên quyết thu hồi nếu dự án tiếp tục “đắp chiếu”, kiên quyết không điều chỉnh dự án thay đổi mục đích ban đầu được cấp phép, kiên quyết không giao dự án cho chủ đầu tư yếu kém năng lực.

Đỗ Lê

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load