(Xây dựng) - Bản Cát Cát là ngôi làng cổ thu hút khách du lịch mỗi khi đến Sa Pa, bởi nét đẹp yên bình mà độc đáo giữa núi rừng Tây Bắc. Vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc, thấp thoáng từng nếp nhà và cả con người bản Cát Cát sẽ khiến bạn không thể nào quên.
“Thiên đường mây của Sa Pa”
Sa Pa là một địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà nó còn thành công thu hút nhiều du khách quốc tế đến thăm quan và nghỉ dưỡng. Bên cạnh không gian hùng vĩ, rộng lớn, Sa Pa còn sở hữu cho mình những bản làng thơ mộng, giản dị, cùng với các nét văn hóa đa dạng từ các dân tộc miền núi nơi đây. Bản Cát Cát là một trong số đó.
Cát Cát là bản làng thơ mộng, giảu bản sắc dân tộc. |
Bản Cát Cát được mệnh danh là “thiên đường mây của Sa Pa” là niềm tự hào của vùng núi rừng Tây Bắc, mang vẻ đẹp truyền thống của một ngôi làng vùng cao giữa núi rừng hoang sơ, hùng vĩ. Bản Cát Cát là một bản nhỏ thuộc xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn và cách Hà Nội 376km.
Đến với ngôi làng đầy thơ mộng này, du khách không chỉ được hòa chung với nếp nhà gỗ đơn sơ, những con suối nhỏ chảy êm ả, những tấm thổ cẩm lộng lẫy đầy sắc màu mà còn được khám phá nét đẹp văn hóa của người dân tộc H’Mông gắn với mảnh đất này.
Giữ gìn bẳn sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng đối với Khu du lịch Cát Cát. |
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Cát Cát cho biết, điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến Cát Cát hiện nay là các giá trị văn hóa truyền thống của người H’Mông được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Những năm qua, do yêu cầu của sự phát triển mở rộng khu du lịch, việc xây mới, cải tạo các cảnh quan trong khu du lịch được tiến hành, nhưng công ty và người dân trong Bản luôn xác định phải bảo tồn tốt nhất kiến trúc, cảnh quan bản địa. Do đó, các công trình thường được xây dựng bằng 100% nguyên vật liệu gỗ, gắn liền với văn hóa của người H’Mông. Bên cạnh đó, Cát Cát cũng chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, phi vật thể để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Để đến Khu du lịch Cát Cát, du khách có thể tham khảo các thông tin sau:
Di chuyển
Lộ trình: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái – Lào Cai – Sa Pa - bản Cát Cát. Nếu du khách lựa chọn di chuyển bằng xe máy thì tuyến đường này rất lý tưởng để có thể vừa đi vừa chiêm ngưỡng cảnh núi non hữu tình của vùng cao.
Cung đường Hà Nội – Sa Pa rất được dân “phượt” yêu thích. |
Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng xe khách, các bác tài xế thường chọn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vì đây là tuyến đường ngắn nhất và giao thông thuận lợi. Thông thường di chuyển từ trung tâm Hà Nội tới thị xã Sa Pa sẽ mất khoảng 5-6 tiếng. Từ trung tâm thị xã Sa Pa, theo con đường hướng về phía núi Phan Xi Păng khoảng gần 3km du khách sẽ đến bản Cát Cát.
Trên quãng đường dẫn xuống bản Cát Cát, du khách sẽ bị hớp hồn bởi những khung cảnh đất trời bao la, hùng vĩ, một bên là những dãy núi cao trùng trùng, một bên là thung lũng Sa Pa thơ mộng, những cánh đồng bậc thang bát ngát.
Du lịch Cát Cát vào thời gian nào?
Nếu du khách đã từng khám phá vùng Tây Bắc, thì sẽ nhận thấy rằng khí hậu của vùng núi rừng này mát mẻ quanh năm và tương ứng với mỗi thời điểm trong năm thì cảnh vật sẽ có chút khác biệt. Bất cứ mùa nào cũng có vẻ đẹp độc đáo, mới lạ và hấp dẫn.
Mùa nào, Cát Cát cũng có những vẻ đẹp riêng có hút khách du lịch. |
Mùa xuân (tháng 2 tới tháng 5): Đây là thời điểm bước vào năm mới, những cánh rừng vùng Tây Bắc đỏ rợp sắc hoa đào, hoa mận. Giữa cảnh đẹp đến nao lòng, được hòa chung vào bầu không khí đón năm mới của cộng đồng dân tộc là trải nghiệm thu hút du khách.
Mùa hạ (tháng 6 đến tháng 8): Lúc này, thời tiết giao mùa giữa tiết trời nóng và lạnh. Nếu như lúc này ở miền xuôi đang phải đón cái nắng như thiêu đốt thì trên Sa Pa lại là “thiên đường” để tránh nóng. Thời điểm mùa hạ cũng là lúc người dân bước vào vụ mùa mới với bạt ngàn những mảnh ruộng bậc thang một màu xanh mướt của lúa.
Đến Cát Cát, Sa Pa mùa thu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngây ngất của những ruộng lúa bậc thang chín vàng tuyệt đẹp. |
Mùa thu (tháng 9 đến tháng 11): Sa Pa chuyển sang thu cũng là lúc những cánh đồng ruộng bậc thang rợp vàng màu lúa chín. Núi rừng Tây Bắc giờ đây như được khoác lên tấm áo mới. Không chỉ đắm chìm vào không gian thơ mộng ấy, du khách còn có cơ hội được sống cùng người dân bản địa khi tham gia vào vụ mùa cùng với họ. Theo chia sẻ từ nhiều du khách, mùa thu cũng là mùa đẹp nhất tại Sa Pa.
Mùa đông (tháng 12 đến tháng 1): Việt Nam là nước nhiệt đới và hiếm khi có tuyết rơi. Tuy nhiên Sa Pa lại là chuyện khác khi những năm gần đây, tuyết bắt đầu xuất hiện nơi vùng núi cao này. Vào mùa đông, Sa Pa trút bỏ đi tấm áo cũ, chuyển mình trong lớp mây mù, tuyết rơi và sương lạnh giá. Dù thời tiết có chút khắc nghiệt nhưng Sa Pa thời gian này luôn được nhiều du khách lựa chọn bởi họ muốn săn tuyết một lần.
Cát Cát có gì đẹp?
Đường vào bản Cát Cát: Du khách sẽ phải trầm trồ với 2 con đường trên hành trình tới bản Cát Cát, đó là con đường đi đến bản Cát Cát và đoạn đường bậc thang từ cổng của bản Cát Cát dẫn lối vào bên trong bản. Du khách sẽ bị hớp hồn với khung cảnh một bên là những dãy núi cao trùng trùng, một bên là thung lũng Sapa hiện lên với những cánh đồng bậc thang bát ngát. Trên suốt đoạn đường thay vì cảm giác mệt mỏi, nôn nóng tới nơi thì du khách sẽ cảm thấy hòa chung với thiên nhiên, núi non. Chắc chắn, bạn sẽ bận rộn với việc chụp hình sống ảo trong suốt đoạn đường.
Thác Tiên Sa: Thác Cát Cát hay còn gọi là thác Tiên Sa là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sapa mà du khách nhất định phải đến. Từng dòng thác này từ trên núi đổ xuống sẽ phát ra những tiếng ào ào nước chảy vô cùng sinh động. Du khách sẽ cảm nhận được không khí của vùng núi rừng một cách hoang sơ nhất.
Đặc biệt, xung quanh thác có rất nhiều hoa cỏ, tới mùa nở bung vô cùng đẹp mắt. Du khách có thể ở đây thư giãn nghe tiếng nước chảy, vừa ngắm khung cảnh thiên nhiên thơ mộng xung quanh.
Quán Nhà của Mị và Nhà A Phủ: Bản Cát Cát có hai quán cà phê độc đáo mà ai cũng biết đến đó là Nhà của Mị và Nhà A Phủ.
Không gian đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong Nhà của Mỵ |
Mị và A Phủ là hai nhân vật người H’Mông trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Hai quán cà phê có tên “Nhà của Mị và Nhà A Phủ” là tượng trưng cho câu chuyện, tính cách hai nhân vật trên. Đến quán, du khách sẽ khám phá những bản sắc riêng của dân tộc pha chút hiện đại. Nơi đây ngoài tạo sự thu hút cũng là lưu giữ những khoảnh khắc hiếm có mang tính chất văn học Việt Nam.
Làng Cát Cát: Nếu du khách muốn khám phá nhiều hơn về văn hóa nơi đây thì chắc chắn phải ghé thăm làng Cát Cát. Ngôi làng ẩn mình giữa rừng núi Sapa hùng vĩ với rất nhiều dòng suối uốn quanh đẹp mắt. Du khách có thể ngắm nhìn những cảnh đẹp và cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa một cách chân thực nhất.
Ngoài ra ở đây còn có những điểm đặc sắc nên tham quan như làng nghề truyền thống, nhà Văn Hoá, Suối Vàng, Suối Bạc,... Ngoài mang đậm nét văn hoá dân tộc thì còn cho du khách những thước hình sống ảo mê ly của xứ Tây Bắc.
Ăn gì ở Cát Cát?
Bản Cát Cát không chỉ làm say mê du khách bởi cảnh sắc bình yên, thơ mộng và hữu tình mà còn là nơi có rất nhiều những món ăn địa phương hấp dẫn. Đã du lịch Sapa, ghé bản Cát Cát thì du khách có thể thưởng thức những món ngon sau đây:
Thịt trâu gác bếp: Một trong những món đặc sản bản Cát Cát nổi tiếng bậc nhất mà bất cứ du khách nào cũng muốn được thưởng thức và mang về làm quà đó là thịt trâu gác bếp. Thịt trâu tươi được người dân địa phương tẩm ướp gia vị khéo léo, sau đó treo lên gác bếp trong thời gian dài. Mùi khói bện vào từ thớ thịt tạo nên món ăn có hương vị đặc biệt thơm ngon vô cùng.
Thịt sấy Khăng Gai, món ăn hấp dẫn của Cát Cát |
Rượu ngô: Rượu ngô ở bản Cát Cát được nấu bằng phương pháp truyền thống với các loại men lá đặc trưng của đồng bào dân tộc H’Mông có vị thơm ngon, khó cưỡng.
Trái cây: Bản Cát Cát là nơi trồng rất nhiều loại trái cây. Do đó, du khách du lịch Sapa vào bất cứ mùa nào trong năm cũng đều có cơ hội thưởng thức những loại trái cây thơm ngon, hấp dẫn như: Mận, đào, lê, táo mèo,…
Ngoài ra, còn có rất nhiều món ngon như: Thịt rừng nướng, xôi ngũ sắc, thắng cố, bánh hạt dẻ, mèn mén, cơm lam,… Đây đều là những món được đông đảo du khách yêu thích.
Các làng nghề giúp cung cấp các sản phẩm lưu niệm cho du khách. |
Quà lưu niệm
Thổ cẩm do những người thợ lành nghề vùng dân tộc H’Mông dệt với 4 màu sắc chủ đạo đó là xanh, đỏ, trắng và vàng với rất nhiều hình dáng, hoa văn độc đáo, đầy tính nghệ thuật. Du khách có thể mua một chiếc khăn quàng cổ, nón, vòng tay hay búp bê bằng thổ cẩm để làm quà cho người thân của mình.
Đinh Vũ
Theo