Thứ tư 13/11/2024 07:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ: Làm đường chưa xong đã nghiệm thu quyết toán, Bộ Giao thông Vận tải có làm đúng luật?

11:43 | 29/02/2020

(Xây dựng) – Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã đi vào hoạt động từ 2015, nhưng một số đoạn đường gom trong đó có đoạn qua xóm 1, xã Liên Phương, huyện Thường Tín thuộc giai đoạn 2 của dự án hiện vẫn chưa được thực hiện. Điều đáng bàn là trong khi dự án còn “nửa chừng dang dở” thì Bộ Giao thông Vận tải lại “bất ngờ” ra văn bản yêu cầu “khoanh vùng”, đồng thời dừng thi công để triển khai thủ tục nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu và thanh quyết toán dự án. Việc làm này liệu có đúng quy định pháp luật, bởi đường gom dân sinh chưa hoàn thành thì làm sao chủ đầu tư có thể nghiệm thu thanh quyết toán?

cao toc phap van cau gie lam duong chua xong da nghiem thu quyet toan bo giao thong van tai co lam dung luat
Văn bản số 4650/BGTVT-CQLXD của Bộ Giao thông Vận tải ban hành gửi Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ và Ban Quản lý dự án Thăng Long về việc một số nội dung vướng mắc Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức Hợp đồng BOT (giai đoạn 2).

Thanh quyết toán trước, làm đường sau?

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, việc chậm trễ trong việc đường gom dân sinh đoạn xóm 1 xã Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội) đã khiến đời sống của hàng chục hộ dân quanh khu vực bị xáo trộn; tiềm ẩn nỗi lo về tình trạng mất an ninh, an toàn đang diễn ra từng ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Chủ tịch huyện Thường Tín cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại xã Liên Phương cơ bản đã xong nhưng chủ đầu tư không làm, cứ đùn đẩy. Còn phía Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ bác lại và cho rằng, “vướng vì mặt bằng chưa xong”. Thực tế bất nhất này đã khiến cho việc thực hiện tuyến đường trả dân trở nên “dùng dằng” và mãi vẫn chưa hoàn thiện.

Tìm hiểu được biết, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là tuyến cao tốc có thu phí quan trọng của Hà Nội và miền Bắc nói chung. Với chiều dài là 30km, mục tiêu đầu tư dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Dự án được triển khai từ tháng 10/2015, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành tuyến chính và đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, tuyến đường gom - một bộ phận của đường cao tốc này lại chưa hoàn thành một số vị trí, trong đó có đoạn Km192+500 - Km192+860 bên trái tuyến (đoạn qua xóm 1, xã Liên Phương, huyện Thường Tín).

Theo tìm hiểu, ngày 20/5/2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đã ký Văn bản số 4650/BGTVT-CQLXD gửi Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ và Ban Quản lý dự án Thăng Long về việc một số nội dung vướng mắc Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức Hợp đồng BOT (giai đoạn 2).

Đáng chú ý, trong văn bản nêu rõ: “Công tác giải phóng mặt bằng đường gom cho phép tạm thời khoanh vùng các vị trí chưa giải phóng mặt bằng và dừng thi công để triển khai thủ tục nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu và thanh quyết toán dự án. Sau khi Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại, yêu cầu nhà đầu tư và các nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công hoàn thiện toàn bộ dự án”.

Xét về mặt pháp lý, dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã đi vào hoạt động từ 2015 và thu phí nhiều năm, nhưng đường gom dân sinh vẫn chưa hoàn thành mà Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo nghiệm thu thanh quyết toán thì đây là việc làm trái pháp luật về xây dựng.

Theo quy định của pháp luật, dự án phải hoàn thành theo đúng thiết kế được duyệt, đảm bảo chất lượng, mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng và thanh quyết toán.

Đoạn đường gom đang thi công dở dang, vậy tại sao Bộ Giao thông Vận tải lại chỉ đạo dừng thi công, khoanh vùng để nghiệm thu thanh quyết toán? Việc này đã gây tiềm ẩn thất thoát và lãng phí ngân sách của Nhà nước. Xét cho cùng, chính văn bản này còn gây ra sự đùn đẩy trách nhiệm thi công hoàn thiện con đường giữa doanh nghiệp BOT và UBND các quận, huyện có đoạn đường đi qua?

Mặt khác, nội dung Văn bản số 4650/BGTVT-CQLXD do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật ký gửi chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án từ tháng 5/2019 nhưng đến nay đã gần 9 tháng, tuyến đường này vẫn bị đùn đẩy và không thể triển khai. Vậy người ký văn bản này có trách nhiệm gì? Chính phủ cần xem lại trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành văn bản này.

Chưa làm đúng Chỉ thị của Thủ tướng?

Tìm hiểu được biết, mặc dù thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo gửi UBND huyện Thường Tín về việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải đang thực hiện nói chung, cũng như việc giải quyết một số tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức BOT nói riêng, tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp chưa thể xử lý dứt điểm.

cao toc phap van cau gie lam duong chua xong da nghiem thu quyet toan bo giao thong van tai co lam dung luat
Con đường gom lầy lội khiến cuộc sống người dân càng cực nhọc

Liên quan đến việc một số hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng, trước đó ngày 13/12/2019, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 12095/VP-GPMB gửi UBND huyện Thường Tín. Văn bản nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đang thực hiện. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng có ý kiến: “Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thường Tín khẩn trương chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vị trí còn tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng; chủ động báo cáo, đề xuất giải quyết những vướng mắc có liên quan đến các Sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ để xem xét, thiết lập hồ sơ, áp dụng các biện pháp hành chính kiên quyết theo quy định của Luật Đất đai để xử lý các trường hợp chây ì, cố tình không chấp hành quyết định thu hồi đất thực hiện xong trước ngày 31/12/2019”.

Tiếp đó, ngày 20/12/2019 UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 12365/VP-GPMB gửi UBND huyện Thường Tín. Văn bản nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội nhận được Công văn số 11704/BGTVT-CQLXD ngày 6/12/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các vị trí, đoạn tuyến còn lại trên tuyến đường gom thuộc Dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo: “Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thường Tín tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng nêu trên, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2019 theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 12095/VP-GPMB ngày 13/12/2019”.

Được biết, ngày 18/2/2020 Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã có văn bản gửi UBND huyện Thường Tín về việc đề nghị bàn giao mặt bằng thi công đường gom Km192+500 - Km192+860 TT xã Liên Phương, huyện Thường Tín.

Văn bản nêu, để triển khai thi công hoàn thiện đường gom đoạn Km192+500 - Km192+860 bên trái tuyến đoạn qua xóm 1, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ kính đề nghị UBND huyện Thường Tín, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín và UBND xã Liên Phương quan tâm chỉ đạo và giải quyết dứt điểm những vướng mắc tại các hộ dân. Cụ thể như: 3 hộ bà Đỗ Thị Giang, bà Đỗ Thị Miên, bà Nguyễn Thị Hương chưa đồng ý tiền bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng; 3 hộ ông Lê Trọng Khải, ông Hoàng Đình Toàn, bà Lê Thị Ninh đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng chưa chuyển đi vì chờ tái định cư; 9 ngôi mộ nhà ông Từ Văn Hiếu chưa nhận tiền bồi thường để di chuyển; Tuyến cáp điện ngầm 35kV nằm dọc tuyến giữa đường gom của Công ty Điện lực Thường Tín.

“Khi nào các vướng mắc giải quyết xong đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín thông báo cho Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ để cùng tiến hành lập biên bản giao mặt bằng và Công ty sẽ triển khai thi công hoàn thành ngay đường gom đoạn này”, văn bản nêu rõ.

Xung quanh việc, đường gom đang thi công dở dang, nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn ra văn bản chỉ đạo dừng thi công, khoanh vùng để nghiệm thu thanh quyết toán? Việc này, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Việt Khoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load