(Xây dựng) - Trong thời gian qua, BĐS ở nước ngoài là lĩnh vực chưa được nhiều DN Việt Nam hướng tới, do thị trường trong nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, thị trường BĐS nước ngoài với nhiều tiềm năng đang là một cơ hội hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Đoàn Văn Cương, đây là thời điểm mà các nhà phát triển BĐS của Việt Nam đang tập trung củng cố sức mạnh trong nước của mình để chuẩn bị cho một hướng đầu tư mới ra thị trường nước ngoài.
Theo đó, hình thức liên danh với DN nước ngoài để cùng đầu tư khai thác là một lựa chọn được hướng tới. Tổng giám đốc Savills Việt Nam Neil MacGregor cho rằng, các DN BĐS của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để mở rộng đầu tư ra nước ngoài, thông qua nhiều hình thức, có thể trực tiếp đầu tư hoặc có thể cùng liên danh với các DN BĐS ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang theo đuổi các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam thì một số khác lại bắt đầu có xu hướng tìm kiếm các đối tác là người Việt Nam cho các hoạt động đầu tư của họ ở các nơi khác. Con số này ở thời điểm hiện tại tuy chưa đáng kể, nhưng khả năng sẽ phát triển trong tương lai.
BĐS châu Á - Thái Bình Dương là một trong những thị trường được đánh giá là hấp dẫn với các nhà đầu tư BĐS Việt hiện nay. Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills châu Á - Thái Bình Dương Simon Smith nhận định, thị trường BĐS châu Á - Thái Bình Dương phát triển nhanh chóng và vô cùng đa dạng. Các chu kỳ khác nhau đang tạo ra các nhóm rủi ro và cơ hội khác nhau, trong khi sự xuất hiện của các loại hình tài sản mới đang cung cấp cho các nhà đầu tư rất nhiều lựa chọn và chiến lược kinh doanh mới.
Ở cấp độ khu vực, những bất ổn vẫn còn kéo dài trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa các khu vực, các mối quan hệ thương mại của Mỹ và sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế... cũng sẽ ảnh hưởng tới xu hướng đầu tư vào thị trường BĐS. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc nới lỏng hơn các điều kiện về tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường BĐS khi làn gió đầu tư trong và ngoài nước gia tăng.
Dự báo, các nhà đầu tư lớn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực văn phòng cho dù có sản lượng thấp, tập trung vào các TP lớn trong khu vực. Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam sẽ nổi lên trở thành điểm sáng của thị trường BĐS trong thời gian tới.
Với Ấn Độ, dân số được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc trong vòng 5 năm tới, mang đến cơ hội đầu tư dài hạn hơn. Chính phủ nước này đã có các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bằng cách giảm thuế DN và tái cấp vốn cho các ngân hàng. Ngân hàng Trung ương đã hạ lãi suất chuẩn 5 lần trong năm 2019.
Những biện pháp này sẽ thúc đẩy nhu cầu thuê đối với các loại hình tài sản truyền thống như văn phòng, song song đó là những cơ hội thực sự trong các lựa chọn thay thế. Mô hình sống chia sẻ (co-living) là một ví dụ điển hình nhận được ủng hộ của một lượng lớn giới trẻ tại Ấn Độ.
Mặc dù vậy, để có thể gia nhập thị trường BĐS nước ngoài, DN Việt sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo chuyên gia Hoàng Nguyệt Minh, để quá trình đầu tư, kinh doanh có thể thu lại những thành công, nhà đầu tư cần phải đặc biệt chú tâm đến việc nghiên cứu thị trường, đảm bảo nắm rõ thông lệ giao dịch của thị trường, thị hiếu của người dân, xu hướng thị trường ra sao, nguồn cung trong tương lại lớn hay nhỏ, các dự án cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng như thế nào đến dự án để đảm bảo các giả định về tính khả thi cho dự án được sát sườn và hiệu quả nhất. Việc nghiên cứu thị trường phải được tính cho cả độ trễ trong việc hoàn tất giao dịch và xin cấp phép đầu tư cho dự án mới tại nước tham gia đầu tư.
Ngoài ra, trước khi quyết định đầu tư cần phải tìm hiểu rõ quy trình và cách thức đầu tư tại nước tham gia đầu tư, để đảm bảo không vướng phải rủi ro pháp lý không cần thiết. Thẩm định chắc pháp lý của dự án là điều tối cấp thiết đối với tất cả các nhà đầu tư cho bất kỳ dự án nào. Kiểm soát tốt nguồn vốn trong trung và dài hạn cũng là vấn đề tối quan trọng để đảm bảo dự án được triển khai theo đúng tiến độ mở bán.
PV
Theo