Chủ nhật 10/11/2024 15:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Cần sửa đổi Luật Nhà ở

09:46 | 27/02/2022

(Xây dựng) - Luật Nhà ở cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, ngành Xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng về nhà ở, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 06 năm triển khai cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước đã xuất hiện những quan hệ mới cần điều chỉnh để giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức thi hành pháp luật.

luat nha o sua doi can thiet phai ban hanh
Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Góc nhìn từ cơ sở chính trị, pháp lý

Ngay trong Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 khóa XIII đã hiến định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” (khoản 1, Điều 22), “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (khoản 3, Điều 59).

Bên cạnh đó, Đảng cũng thể hiện quan điểm chỉ đạo nhất quán, định hướng về chính sách nhà ở, phát triển nhà ở cho nhân dân tại nhiều văn kiện, Nghị quyết quan trọng. Có thể thấy tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng đã nêu quan điểm chỉ đạo: “Đẩy mạnh phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để từng bước cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân”. Đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và vận hành thông suốt thị trường bất động sản. Xây dựng thể chế và các mô hình phù hợp để gắn kết quá trình công nghiệp hóa với đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng chính sách xã hội về nhà ở”.

Theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có nội dung: “Phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội”.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 vấn đề nhà ở, phát triển nhà ở được nhấn mạnh: “Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”; “bố trí hợp lý khu dân cư và hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu”.

Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021, có yêu cầu: “Tăng cường chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang cản trở đến hoạt động phát triển kinh tế, tạo động lực mới thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật; hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Đối với những vướng mắc liên quan đến luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ tập hợp, phân tích tác động, sự cần thiết phải ban hành, sửa đổi để báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Gần đây, ngày 30/01/2022, tại Nghị quyết số 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2022, Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật Nhà ở. Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.

Góc nhìn từ thực tiễn

Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, một số luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực nhà ở được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công... làm phát sinh một số quy định liên quan chưa tương thích, cần được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, một số quy định của Luật Nhà ở hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu một số quy định cần thiết và một số quy định cần sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trong đợt rà soát vừa qua đã chỉ ra các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai, đặc biệt là những chính sách lớn như vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Hiện nay, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đang được tổng kết, trong đó có một số chính sách lớn cần xin ý kiến của Trung ương, làm cơ sở xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, việc bám sát quá trình tổng kết Nghị quyết trên và các nội dung kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai để từ đó đề xuất chính sách sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết”.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động. Đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam (trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...) là các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đã chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe của người dân và kinh tế... do những diễn biến phức tạp, khó lường từ biến thể Delta và các chủng virus mới, dẫn tới nhiều khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm của người lao động. Chính vì vậy, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất, kinh tế.

luat nha o sua doi can thiet phai ban hanh
Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều chính sách tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Luật Nhà ở (sửa đổi) được lãnh đạo Bộ chỉ đạo xây dựng trên quan điểm phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở của Trung ương và địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật”.

“Bên cạnh đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực nhà ở”.

Từ những nội dung trên cho thấy Luật Nhà ở (sửa đổi) cần thiết phải ban hành trong thời gian tới. Việc luật hóa các quy định, cơ chế về nhà ở, phát triển nhà ở đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load