(Xây dựng) - Ngày 24/7, tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Lễ đón nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1962 – 1975).
Lễ đón nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh: Vũ Nguyệt) |
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đại diện một số Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; về phía Campuchia có Thống tướng Kun Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Bộ trưởng cấp cao cùng đại diện Hội Cựu chiến binh Campuchia.
Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (thay thế cho Xứ ủy Nam bộ trước đó), đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà thường xuyên là Bộ Chính trị. Ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà – Chiến khu Đ (nay là tỉnh Đồng Nai) quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban.
Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Xa Mát thuộc huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để có điều kiện mở rộng căn cứ. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng như: Chống chiến tranh đặc biệt, cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Paris, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thắp hương tại Nhà bia kỷ niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh: Hoàng Bắc) |
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 24/6/1967 nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung chiến hào, đánh bại chế độ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, kề vai sát cánh lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me Đỏ, hồi sinh đất nước Campuchia. Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đối ngoại “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vừng lâu dài” với Campuchia.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của Di tích, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa để cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Tỉnh Tây Ninh phối hợp với ngành Du lịch, các cơ quan thông tin truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan để du khách và nhân dân hiểu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.
Dịp này, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1962 – 1975) trong niềm tự hào về truyền thống 94 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành Tuyên giáo.
Nguyễn Đức
Theo