Thứ sáu 08/11/2024 02:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Nỗi lo mang tên cầu phao “tử thần”

23:07 | 20/11/2020

(Xây dựng) – Hiện tại, xã Cẩm Vân có 5/6 thôn phải qua sông (sang Cẩm Tân) để sản xuất nông nghiệp. Học sinh phải nghỉ học nếu cắt cầu vào mùa lũ. Chưa kể hàng chục con người đã phải bỏ mạng ngay tại cầu phao nối liền 2 xã Cẩm Vân và Cẩm Tân. Mong mỏi 1 cây cầu cứng bắc qua sông Mã không chỉ của riêng lãnh đạo huyện miền núi này, mà còn của hàng chục nghìn nhân khẩu của 7 xã phía Nam huyện Cẩm Thủy.

cam thuy thanh hoa noi lo mang ten cau phao tu than
Hiện trạng cây cầu phao cũ nát nhưng vẫn phải sử dụng vì chưa có giải pháp nào hữu hiệu hơn thay thế.

Hãi hùng qua cầu phao già cỗi…

Dẫn chúng tôi đi qua cầu phao ngót vài chục năm tuổi, người dân xã Cẩm Vân thở dài ngao ngán: “Cầu đã xuống cấp nhiều năm nay nhưng UBND xã vẫn phải cố gắng gia cố lại để phục vụ người dân. Dễ hiểu vì đây gần như là con đường độc đạo nhưng nguy hiểm quá”.

Theo quan sát, cầu phao Cẩm Vân có bề rộng khoảng 3 - 4m, dài 240m được nối bởi các nhịp phao đã hoen rỉ, mặt sàn của cầu là các then gỗ, các tấm tôn kim loại được xếp đặt lộn xộn… Mỗi khi người dân và học sinh qua lại, cây cầu chung chiêng như chiếc “bẫy” trực muốn xô đẩy người qua cầu xuống sông. Đặc biệt là vào ngày mùa nhu cầu đi lại cao trong khi cây cầu nhỏ và hẹp, không có lan can hai bên thì mối nguy mang tên “tai nạn” thường trực hơn bao giờ.

cam thuy thanh hoa noi lo mang ten cau phao tu than
Dùng thuyền máy đưa người dân vượt sông mỗi mùa nước lên.

Thực tại chưa hết hãi hùng thì người dân nơi đây cho biết, cũng ở khúc sông thiếu 1 cây cầu kiên cố này, trận lũ những năm 70 đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 người vì lật đò. Khoảng vài năm trở lại đây, vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng của 2 mẹ con khi qua cầu.

“Mùa này, cầu phao đang dùng được, đến mùa mưa nước dữ cầu phao không dùng được. Các cháu học sinh rồi người dân sang bên kia sông canh tác đều phải đi bằng thuyền. Nước lớn thì cả xã như vùng bị cô lập. Cũng bởi những cách trở đó, mà tình hình sản xuất nông nghiệp phía bên kia bờ gần như kém hiệu quả. Học sinh mùa lũ gần như phải nghỉ ở nhà không thể đến lớp”, một hộ dân xã Cẩm Vân cho biết thêm.

Hơn 10 năm, dự án làm cầu vẫn trên giấy?

Hiện, 7 xã thuộc phía Nam huyện Cẩm Thủy đều phải phụ thuộc vào cây cầu phao nếu muốn đi sang bên kia sông để giao thương, buôn bán, đi học. Riêng với xã Cẩm Vân, cầu phao còn phục vụ phát triển sản xuất vì bên kia sông Mã xã này có 100ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngày nào, người dân cũng phải qua cầu để đi làm đồng. Bởi vì tầm quan trọng của việc đi lại, giao thương nên mặc cho cầu xuống cấp, người dân vẫn phải liều mình để qua cầu. Mong ước có một cây cầu cứng là tất yếu đối với người dân nơi đây.

cam thuy thanh hoa noi lo mang ten cau phao tu than
Mùa nước lên, học sinh đến trường gặp nhiều nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Công Cảnh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân mong mỏi: Tầm quan trọng, sự bức thiết của cây cầu tôi không nhắc nữa. Thực tại, chính quyền xã cũng được cấp ngành chức năng cho phép thu phí hành khách qua lại cây cầu. Tuy nhiên, mức thu chỉ áp dụng với khách lạ chứ người dân trong xã qua lại sản xuất thì không thu. Cũng bởi nguồn thu thấp nên hàng năm nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng cây cầu là hết sức hạn hẹp. Năm nào xã cũng phải trích từ 40 - 50 triệu đồng để gia cố.

Ông Nguyễn Tiến Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy thừa nhận những bất cập cũng như sự bức thiết của một cây cầu cứng nơi đây. Cũng bởi thiếu cầu, giao thương hạn chế dẫn tới 7 xã phía Nam của huyện có tốc độ phát triển kinh tế chậm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều lần tiếp xúc cử tri người dân đã kiến nghị, chính quyền huyện cũng liên tục đưa vào kế hoạch trình lên các cấp…

Cũng theo ông Lực thì ngày 24/8/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 2839/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa của nhân dân các xã trong khu vực, hoàn thiện mạng lưới giao thông góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Tổng mức đầu tư 135.766,0 triệu đồng do Sở Giao thông vận tải đầu tư. Thời gian thực hiện dự án không quá 04 năm…

“Dự án đã rõ, song không hiểu vì lý do gì mà đến nay, cầu phao “tử thần” vẫn chưa được thay thế bằng cầu cứng? Người dân các xã thuộc phía Nam huyện Cẩm Thủy vẫn chưa được thụ hưởng mà từng ngày vẫn phải đi trên cây cầu cũ nát, có thể gây nguy hiểm cho người dân bất cứ lúc nào?”, ông Lực cho biết thêm.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load